Ngày 18-7, thượng tá Trần Thanh Lộng, phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cái Nước (Cà Mau) đã ký bản kết luận điều tra bổ sung lần 3 đối với vụ án cướp tài sản mà 3 bị cáo đồng loạt kêu oan tại 3 phiên tòa sơ thẩm trước đó.
Trong bản kết luận điều tra bổ sung mới nhất, cơ quan điều tra cho rằng, đêm 31-8-2015, bị cáo Lê Minh Nhựt (18 tuổi) đang bị tạm giam trong trại tạm giam của Công an huyện Cái Nước đã gọi điện thoại về cho cha mình là ông Lê Văn Mỹ. Việc gọi này là do Nhựt tự nguyện gọi chứ không ai ép buộc. Hơn nữa, tại phiên tòa, khi đoạn ghi âm này được bật lên thì cả Nhựt và ông Mỹ đều thừa nhận đó là giọng nói của mình nên cơ quan điều tra không nhất thiết phải tiến hành giám định đoạn ghi âm đó.
Kết luận điều tra bổ sung lần 3 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Cái Nước
Trong khi đó tại 3 phiên tòa sơ thẩm, ông Mỹ cho rằng trước khi Nhựt gọi điện về nói “Cha ơi con có làm. Cha đừng làm lớn chuyện” thì ông đã làm đơn khiếu nại gửi đến VKSND huyện Cái Nước và VKSND tỉnh Cà Mau để kêu oan cho con mình. Do vậy, việc Nhựt gọi về khuyên ông “đừng làm lớn chuyện” là có gì khuất tất chứ không thể nói là tự nguyện. Bởi lẽ, đang bị tạm giam thì làm sao Nhựt biết cha mình đang đi khiếu nại mà khuyên “đừng làm lớn chuyện”?. Phía luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn Luật sư TP HCM, người bào chữa cho Nhựt) cũng đặt câu hỏi là vì sao trong trại tạm giam nhưng Nhựt được phép gọi điện về nhà lúc ban đêm?
3 bị cáo Khang, Nhựt và Ca đồng loạt kêu oan trước 3 phiên tòa sơ thẩm
Theo hồ sơ vụ án mà Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, tối ngày 2-6-2015, Nguyễn Hoàng Khang (22 tuổi) cùng với Nguyễn Vũ Ca (19 tuổi) đến quán nhậu 797 (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) để gặp bạn đang làm nhân viên phục vụ tại đây là Nhựt. Tại đây, Nhựt vừa chạy bàn vừa thỉnh thoảng xin phép chủ quán ngồi vào bàn nhậu với Khang, Ca và 2 người bạn gái của Khang. Trong lúc nhậu, Nhựt rủ Ca và Khang đi cướp tài sản của người đi đường. Khoảng 22 giờ cùng ngày, cả 3 bị cáo chạy đến cầu Lương Thế Trân (cách quán nhậu khoảng 3km) thì nhìn thấy anh Lâm Chí Nhẫn (22 tuổi) đang dừng xe để nghe điện thoại trên cầu nên đánh và cướp điện thoại (trị giá 3 triệu đồng). Sau đó, Nhựt đem điện thoại bán cho một người đi đường với giá 200.000 đồng rồi cả 3 quay về quán 797 nhậu tiếp. Khi đi ngang qua quán 797, Nhẫn thấy một thanh niên tóc vàng, áo đỏ (bị cáo Nhựt lúc đó mặc áo đỏ, tóc nhuộm vàng) giống với một trong 3 người đã cướp tài sản của mình nên báo công an xã Lương Thế Trân đến bắt. Tuy nhiên, do cả 3 không thừa nhận có tham gia vụ việc nên được công an xã cho về. Khoảng 6 ngày sau, cả 3 bị mời lên công an xã làm việc và tất cả đều thừa nhận hành vi phạm tội nên bị khởi tố, bắt giam.
Khang, Nhựt và Ca lúc được cho tại ngoại về với gia đình
Trong cả 3 phiên tòa, bị hại Nhẫn liên tục có những lời khai mâu thuẫn với kết quả điều tra trước đó khiến HĐXX đặt những câu hỏi nghi vấn về tính xác thực của vụ án. Trong khi đó, cả 3 bị cáo đều khai rằng đã bị một phó công an xã Lương Thế Trân tên Tý đánh và ép phải thừa nhận tham gia cướp tài sản của anh Nhẫn. Thậm chí, bị cáo Ca còn khai đã bị ông Tý chở ra đoạn đường vắng vào ban đêm để đánh và ép nhận tội, sau đó chở vào trụ sở công an xã lập biên bản.
Sau khi TAND trả hồ sơ điều tra bổ sung lần 3, ngày 1-7, VKSND huyện Cái Nước đã ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cho gia đình bảo lĩnh đối với Nhựt, Khang và Ca.
Bình luận (0)