- Luật sư Ngô Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM), trả lời: Tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình có quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi say rượu, bia gây mất trật tự công cộng… (điểm c khoản 2 điều 5); phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng nếu gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ hôm sau… (điểm a khoản 1 điều 6).
Ngoài ra, tùy vào mức độ của hành vi và kết quả xảy ra, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 318 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội "Gây rối trật tự công cộng".
Theo Bộ Luật Dân sự 2015, người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường (điều 596). Do đó, say rượu không phải là lý do để được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tương tự, say rượu cũng không phải là tình tiết được miễn, giảm trách nhiệm hình sự (theo điều 13 Bộ Luật Hình sự 2015).
Trường hợp người điều khiển xe máy, nếu lái xe sau khi uống rượu, bia thì mức phạt từ 1-4 triệu đồng, tùy nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở.
Với người điều khiển ôtô, mức phạt dao động từ 2-18 triệu đồng, cũng tùy nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở.
Ngoài bị xử phạt như trên, cần đặc biệt lưu ý rượu, bia là nguyên nhân chính gây nên rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong dịp Tết. Nếu gây tai nạn giao thông dẫn đến hậu quả chết người hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác từ 61% trở lên, mà trong máu có nồng độ cồn hoặc chất kích thích vượt mức cho phép, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ Luật Hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3-15 năm, tùy mức độ thiệt hại xảy ra.
Bình luận (0)