Theo thống kê từ Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP HCM, từ tháng 10-2021 đến nay, đơn vị giải quyết khoảng 64.000 việc thi hành án. Loại trừ số việc thuộc trường hợp ủy thác, hủy quyết định thi hành án… thì tổng số việc phải THADS ở TP HCM là hơn 63.640 việc.
Luật chưa kín kẽ làm khó người thi hành
Có gần 36.100 việc, tức gần 56,7% đủ điều kiện thi hành án và Cục THADS TP tổ chức thi hành xong 12.522 việc. Tương ứng, cục này chịu trách nhiệm thu hồi hơn 101.049 tỉ đồng, trong đó khoảng 54.090 tỉ đồng là khoản tiền đủ điều kiện thi hành án thì cục đã thi hành xong hơn 9.600 tỉ đồng, đạt 17,6%.
Đơn vị này nhìn nhận kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế có chuyển biến nhưng chưa cao.
Về nguyên nhân, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tư pháp mới đây, ông Nguyễn Văn Hòa, quyền Cục trưởng Cục THADS TP HCM, cho rằng rào cản mà cơ quan THADS đối mặt phần nhiều nằm ở chỗ thiếu quy định pháp luật về THADS. "Vụ án liên quan Tập đoàn Alibaba có hàng ngàn đương sự được THADS. Hiện cơ quan THADS rất cần hướng dẫn cụ thể vì đây là trường hợp đặc biệt, chưa từng xảy ra. Hay một số vụ việc, cơ quan chức năng cần tạm dừng thi hành án nhưng khái niệm "tạm dừng" không có trong Luật THADS hiện hành" - ông Hòa dẫn chứng.
Một thực trạng nữa là hiện nay không ít đơn vị THADS cơ sở băn khoăn vì quy định pháp luật chưa đuổi kịp thực tế. Từ công tác THADS liên quan đến phá sản, ông Nguyễn Thành Hà, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Hóc Môn, cho rằng Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã có hiệu lực thi hành nhưng đến tháng 4 và 5-2022 mới có đủ văn bản hướng dẫn liên quan đến vấn đề nêu trên. Do đó, ông Hà đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm hướng dẫn thi hành luật, nhất là vấn đề ủy thác xử lý tài sản.
Minh họa: KHỀU
Một tài sản bị nhiều luật chi phối
Liên quan vấn đề thống nhất cách xử lý, thực tế tồn tại nhiều năm được chỉ ra là giải pháp thu hồi, xử lý tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ đang gây lúng túng. Qua thực tiễn xét xử, Tòa Hình sự TAND TP HCM chỉ rõ nhiều tài sản là vật chứng hoặc liên quan việc phạm tội phải kê biên để xử lý, thu hồi. Tuy nhiên, phần lớn tài sản trên là bất động sản, quyền sử dụng đất, dự án, cổ phần công ty… Những tài sản đó chịu sự chi phối từ nhiều luật khác nhau trong khi quy định pháp luật chưa thực sự đồng nhất. Điều này kéo theo nhiều quan điểm khác nhau suốt quy trình xử lý, thu hồi tài sản.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Huy - Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 1, TP HCM - cho biết quận 1 đảm trách rất nhiều việc thi hành án với số tiền phải thu hồi lên đến hơn 5.000 tỉ đồng. Các vụ việc THADS nói chung, vụ việc tại bản án kinh tế, tham nhũng, chức vụ nói riêng có tính chất ngày càng phức tạp. Điển hình là tình huống xử lý tài sản hình thành trong tương lai hoặc xử lý cổ phần, cổ phiếu còn vướng nhiều khâu.
Vì thế, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 1 mong mỏi cấp trên nâng tầm hơn trong công tác chỉ đạo nghiệp vụ theo hướng sâu sắc, kịp thời nhằm giúp cơ sở nhanh chóng tháo gỡ khó khăn.
Trước các băn khoăn trên, ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, cho rằng cơ quan THADS TP HCM cần tập trung rà soát, tự kiểm tra những vụ việc kéo dài hơn 1 năm. Song song đó, các đơn vị kiểm tra sâu hơn những vụ việc liên quan án phá sản.
"Từ đó, các đơn vị tìm ra khúc mắc và báo lại cơ quan cấp trên tìm hướng tháo gỡ. Mọi đơn vị cần đặt nhiệm vụ tự kiểm tra làm công tác then chốt" - Tổng cục trưởng Tổng cục THADS nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, thời gian tới, tất cả địa phương đẩy mạnh đào tạo nghiệp vụ, tổ chức nhiều đợt tập huấn về giải pháp, phương án xử lý việc THADS mang tính đặc thù mới phát sinh cho chấp hành viên.
Tiêu hủy tang vật là ma túy
Đối với phương án tiêu hủy ma túy số lượng lớn, ông Nguyễn Văn Hòa cho hay hiện cơ quan, ban, ngành ở TP HCM thống nhất giải pháp đưa ma túy vào lò thiêu. Đây là cách làm hiệu quả, giúp tiêu hủy khối lượng lớn ma túy mà không gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn liên quan đến quy trình, nguyên tắc sử dụng lò thiêu vẫn chưa có.
Bình luận (0)