Đó là một thời vẫn chưa xa, trong ký ức của những người lớn tuổi thì chiếc xích lô máy đã rất quen thuộc. Được người Pháp mang đến Sài Gòn trong những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ trước để thay thế cho thứ xe kéo ''ngựa người'' và là một bước "tiến hóa'' của những chiếc xích lô đạp đã có mặt trước đó, những chiếc xích lô máy là phương tiện chuyên chở người và hàng hóa, chủ yếu là chở người. Thời đó xe hơi còn hiếm hoi nên giá một chiếc xích lô máy khá cao, 5 - 7 lượng vàng, những ai có tiền mua nhiều xe rồi cho dân nghèo thuê lại để chạy. Thuở xích lô máy mới nhập vào Sài Gòn thì đường phố ở đây vẫn còn trống trải lắm, Sài Gòn và Chợ Lớn là hai đơn vị hành chính riêng. Với người Sài Gòn thời đó, mỗi buổi chiều cả gia đình 4 - 5 người thuê một chiếc xích lô máy chở cả nhà vào Chợ Lớn ăn tối cũng là một thú vui nho nhỏ. Hầu hết những chiếc xích lô máy còn sót lại tập trung ở khu vực quận 5, trước cho Bình Tây và Bến xe Chợ Lớn. Một chiếc xe nhưng bây giờ người ta mua lại chỉ khoảng 1,5 - 3 triệu đồng, theo kiểu "sang tay", rất ít xe có giấy tờ hợp pháp. Hằng ngày chúng như một con la thồ, chở đủ thứ hàng hóa, rau quả, từ các vùng ngoại thành, nhiều nhất là các loại vật liệu xây dựng nặng nề. Những chiếc xích lô máy còn tồn tại cho đến hôm nay đều đã được thay đổi từ sườn xe cho đến máy móc, tìm cho ra một chiếc xe còn ''nguyên thủy'' là việc không thể. Có vẻ sự tồn tại của xích lô máy ở Sài Gòn cho đến lúc này như một nghịch lý, khi mà xe lam, loại xe ra đời sau xích lô máy khá lâu, đã biến mất hoàn toàn. Bởi vì ai ai cũng đều rất khó chịu khi phải nghe những tiếng máy nổ giòn giã và ồn ào cay mắt vì khói xả của những phương tiện lỗi thời này. Vậy mà bất chợt trên đường Sài Gòn gặp một chiếc xích lô máy cũ kỹ thì một đoạn quá khứ của Sài Gòn lại hiện về trong trí nhớ của không ít người nay đã cao niên. Còn với giới trẻ, "hắn'' chẳng khác gì một ''gã cao bồi già'' lạc lõng giữa lòng phố thị, không đuổi theo kịp nhịp sống tấp nập, ồn ào và thay đổi từng giờ. Trải qua bao nhiêu sóng gió của những cuộc mưu sinh và thồ trên mình bao nhiêu kỷ niệm, đến bao giờ thì những "lão già gân" này mới được nghỉ ngơi đây? Có thể ngày đó không còn xa nữa. Giá như có một dự án nho nhỏ nhằm phục chế những chiếc xe già cỗi này rồi đưa chúng vào một bảo tàng nào đó để nhắc đến những ký ức về Sài Gòn cho lớp người đi sau thì hay biết mấy.
Xe và người
Chiếc xe xích lô máy đúng ra là để chở người, nhưng bây giờ nhiều khi phải chở 700 - 800 kg hàng nên phải thay đổi từ sườn xe cho đến máy móc là chuyện đương nhiên. Thuở ban đầu, xích lô máy có hình hài nhẹ nhàng hơn bây giờ nhiều, thùng xe thấp hơn, vừa với tầm bước lên của hành khách. Kết cấu của sườn xe được tạo thành từ những ống tuýp sắt nhẹ do Pháp sản xuất nên nhìn chiếc xe rất thanh thoát. Bây giờ người ta thay ống sắt dày hơn để có thể chở nặng. Máy xe cũng phải thay để tiện việc sửa chữa. Tìm mãi, chúng tôi mới phát hiện được một chiếc vẫn còn ''gin'' khoảng 80%, ngoại trừ vài chi tiết trên sườn xe phải gia cố để chịu lực máy móc vẫn còn nguyên trạng. Đó là chiếc xe của anh Năm Ơi, một thợ sửa xích lô máy có hơn 40 năm kinh nghiệm, năm nay đã 57 tuổi. Anh kể: ''Tui biết chạy xích lô máy từ khi 11, 12 tuổi. Nghề sửa xe này do chú tui truyền lại. Thời đó nhà nào có xích lô máy là ngon lành lắm. Tui còn nhớ ngay dưới chân cầu Hậu Giang có hai hãng chuyên cho thuê xích lô máy. Chiếc xe này là của ông chú tui mua mới, cho tui. Vì vậy nên tui cố giữ nó, nhờ chăm sóc đều đặn nên còn chạy tốt lắm'', vừa nói anh vừa cúi xuống chỉ cho tôi dòng chữ Peugeot vẫn còn lờ mờ trên máy xe. Không ít xe xích lô máy bây giờ được chủ nhân thay bằng máy xe Honda, thậm chí là máy Lifan của xe Trung Quốc. Đã có mấy người đến hỏi mua chiếc xe "gia truyền" này nhưng anh Năm Ơi đều từ chối. Trò chuyện một lát, anh lấy điện thoại gọi một người bạn đến và giới thiệu rằng chiếc xe của người này còn đẹp hơn chiếc của anh, dù không ''gin'' bằng. Đúng như lời ''quảng cáo'', chiếc xe của anh Mai (bạn anh Năm Ơi), còn rất mới. Anh Mai chỉ dùng xe để chở người chứ không chở hàng. Xe được anh chăm sóc rất kỹ, thùng xe và chắn bùn được mạ inox sáng choang, có đủ đèn chiếu sáng hẳn hoi, duy có máy đã được thay bằng máy xe Lifan 110cc. Anh chìa cho tôi xem tờ giấy sở hữu xe do Công an TPHCM cấp và kể: ''Chiếc này tôi chạy đã hơn 20 năm rồi. Trước khi đến tay tôi, nó đã qua 4, 5 đời chủ. Lúc mua về cũng tàn tạ lắm, tôi cố gắng tân trang để chở khách. Cũng nhờ nó mà tôi đã nuôi hai đứa con học hành tới nơi tới chốn. Bây giờ điều kiện gia đình có khá hơn nhưng tôi vẫn ghiền chạy xích lô máy. Hồi nhỏ mỗi lần được ngồi lên chiếc xích lô máy là thích lắm nên mấy chục năm nay tôi vẫn khoái nó, dù chẳng mấy khi được ngồi lên cho ai đó chở''. Dân chạy xe vẫn thường đồn đại câu chuyện về một ''tài xế già'' ở tận Hóc Môn, nhờ chạy xích lô máy mà nuôi được mấy người con thành đạt. Bây giờ ông lão không còn chạy chiếc ''xe cái'' đó nữa nhưng nhất quyết không bán, để trong nhà hàng ngày ra vào tâm sự với nó như một người bạn đã cùng trải qua bao nỗi cơ cực trong đời.
Trò chuyện với ông Lâm Võ Hoàng, chuyên viên kinh tế và là người đã sống gần trọn cuộc đời tại đất Sài Gòn, chúng tôi được nghe ông kể: ''Về mặt kinh tế thì những chiếc xe cũ kia vẫn còn đáp ứng được nhu cầu kiếm sống của một bộ phận nhỏ trong xã hội nên mới có thể tồn tại được đến ngày hôm nay. Có thể chúng sẽ bị dẹp bỏ, nhưng trong ký ức của lớp người như chúng tôi thì những chiếc xe này cũng đã đánh dấu một giai đoạn phát triển của thành phố này. Hồi xưa ngoài Sài Gòn ra, không nơi nào có xích lô máy, vì vậy nó cũng chính là một phần nhỏ của Sài Gòn''.
Bình luận (0)