xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Viết bằng trái tim người mẹ

Bài và ảnh: Tố Trâm

Đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật, của người mẹ có con bị vướng vào những sự việc không hay để thận trọng hơn trong cách khai thác đề tài, viết, đưa tin và hình ảnh về trẻ em lên mặt báo

Ngày 9-8, tại TP HCM, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Nghề báo - Hội Nhà báo TP HCM tổ chức hội thảo với chủ đề: "Đưa tin về trẻ em và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo".

Hai lần nạn nhân

Trong luật pháp, đạo đức báo chí, quy chế tác nghiệp… đều có quy định những điều nên và không nên khi đưa tin về trẻ em. Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội thảo, trên thực tế, những sai sót về nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm của người cầm bút đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy. Đáng báo động hơn là tình trạng khai thác đề tài, hình ảnh, giới tính trẻ em… một cách đầy dụng ý để câu view, bán báo; xâm hại một cách thô bạo bằng những hình ảnh, bài viết thiếu chọn lọc. Đặc biệt, trẻ em bị xâm hại tình dục, nạn nhân của bạo lực gia đình, tội phạm vị thành niên… là "mảnh đất màu mỡ" để một số người viết khai thác tối đa.
 
img
Hội thảo với chủ đề: “Đưa tin về trẻ em và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo” sáng 9-8

Theo luật gia Lê Thế Nhân, số liệu điều tra 5 báo điện tử đăng năm 2012 cho thấy có 548 bài báo có nội dung không bảo đảm sự riêng tư của trẻ em. Chủ đề xâm hại tình dục chiếm tỉ lệ bài viết cao nhất (47%), tiếp đó là các chủ đề bạo hành, bạo lực (23%). Đáng chú ý, các em nữ là đối tượng chủ yếu trong các bài báo này (74%), 39% bài báo đăng ảnh của trẻ em trực diện khuôn mặt, nơi tổn thương, 47% bài báo cung cấp thông tin về bố mẹ hoặc người giám hộ. Thông tin về nơi ở của trẻ em được cung cấp cụ thể đến địa danh xã (phường, thị trấn) chiếm 30%, cung cấp rõ ràng địa chỉ có thể tìm thấy được chiếm 41%.

Nhiều đại biểu dẫn chứng về cách đưa tin trường hợp bé gái nạn nhân trong vụ giết người, cướp tiệm vàng ở miền Bắc. Trong 3 năm liên tục, có 26 trang điện tử chính thức đăng 58 bài viết cùng rất nhiều trang mạng dẫn lại một phần hoặc nguyên văn các bài báo về trường hợp của cháu bé. Hay vụ bé gái 13 tuổi ở miền Trung có thai với bạn trai 23 tuổi. Sự kiện này được báo chí "hăm hở" khai thác đến từng chi tiết và nhanh chóng lan truyền trên mạng… khiến đời sống của em bị xáo trộn, phải rời xa quê sau khi tự tử cùng người yêu không thành và mất đi đứa con…

Còn rất nhiều những vụ việc đau lòng như thế xảy ra khi người viết chạy theo thông tin. Quá trình thu thập thông tin và đăng bài trong nhiều trường hợp dường như đã không được sự đồng ý của các em và người giám hộ, vượt quá giới hạn của sự cho phép, không thực hiện nguyên tắc "vì lợi ích tốt nhất của trẻ em". Bằng cách đưa tin không bảo vệ sự riêng tư của trẻ em, một số tờ báo đã vô tình xâm phạm thêm một lần nữa nạn nhân của những hành vi trái pháp luật (giết người, bắt cóc, hiếp dâm…).

Nhà báo Đỗ Thị Thanh Nhã (Báo Phụ nữ Thủ đô) nói: "Một ngày độc giả đọc hàng chục tin như thế, họ có thể bàn tán, thương cảm rồi quên, nhưng những nạn nhân trực tiếp của vụ việc, sống ở một địa phương cụ thể sẽ không thể nào vượt qua được dư luận xung quanh, cũng không thể gạt đi ý nghĩ rằng cả nước, ai cũng biết mình như thế. Vượt qua nỗi đau này, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều so với việc các em phải phá thai hay chịu nỗi đau thể xác khi bị hiếp dâm, bạo hành".

Nhà báo Thanh Nhã cũng nêu thêm ví dụ về việc "xâm hại tinh thần" trẻ em thông qua vụ "lùm xùm" quanh một phát biểu gây tranh cãi của cậu bé Đỗ Nhật Nam. Phần lớn các bài báo không tìm hiểu ngọn ngành thông tin. Thay vì nghe kỹ clip để hiểu rõ câu nói: "Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn" nằm trong văn cảnh nào, nhiều bài báo bị cuốn theo dư luận, bàn tán đúng sai xung quanh chính câu nói đó.

Câu hỏi khó đối với người viết

Những thông tin khi đưa lên mặt báo ít nhiều gây trở ngại cho cuộc sống của trẻ, nhất là khi liên quan đến những vụ án, nạn bạo hành… Trước những thông tin như vậy có nên viết hay không? Viết như thế nào? Giả sử thông tin có hại cho 1 đứa trẻ nhưng có lợi cho nhiều đứa trẻ khác thì phải làm sao…? Đó là những câu hỏi khó đối với các nhà báo có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp.

Có một thực tế, cuộc đua tranh đăng tải thông tin, lôi kéo bạn đọc đã khiến nhiều người viết cố khai thác sâu, dài hơi với những kiểu giật tít giật gân. Họ không cần biết và cũng không có thời gian để nhận biết mỗi lần nhà báo đến gặp, hỏi thông tin, báo đăng là một lần nỗi đau được khơi lại, câu chuyện vì thế trở đi trở lại như một vết nhơ, không biết khi nào gột hết.

Nhà báo phải có cái tâm trong sáng, hướng thiện, phải trải lòng, yêu thương, có trách nhiệm khi đưa tin bài về trẻ em, phải hiểu về pháp luật liên quan đến trẻ em... Đó là cách để trở thành nhà báo chân chính. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo) nhấn mạnh những người cầm bút hãy thận trọng như khi viết cho chính con em mình đọc. Cùng chung suy nghĩ, nhà báo Đỗ Thị Thanh Nhã nói: "Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật đó, của người mẹ có con bị vướng vào những sự việc đó thì sẽ biết mình phải viết theo cách nào".
 

Thạc sĩ Phan Văn Tú (Khoa Báo chí - Truyền thông Đại học KHXH-NV TP HCM):

Cân nhắc khi sử dụng hình ảnh về trẻ em

Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đều có các quy ước về việc không tiết lộ thông tin nhận dạng của nạn nhân cũng như trẻ dưới 18 tuổi phạm tội. Trong thực tế đã xảy ra trường hợp trẻ em chọn cái chết hoặc có những ứng xử bồng bột nghiêm trọng vì bị xâm phạm quyền riêng tư thông qua hình ảnh cá nhân trên truyền thông. Hiện nay, các quy định pháp lý về sử dụng hình ảnh ở Việt Nam chưa thật hoàn thiện. Vì thế, nhà báo càng phải cân nhắc khi sử dụng hình ảnh trẻ em trên truyền thông từ góc nhìn đạo đức. Về mặt pháp lý, ảnh minh họa, dù được chụp ở góc độ nào vẫn phải có sự cho phép, trừ những trường hợp sử dụng khách quan, không gây ảnh hưởng đến mọi cá nhân trong ảnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo