Ngày 26-12, TAND TP HCM tiếp tục xét xử vụ kiện "Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab). Đến nay phiên tòa này đã được TAND TP xét xử lần thứ 6, sau nhiều lần hoãn xử.
"Grab chỉ giỏi hơn ở chỗ vi phạm pháp luật"
Vinasun trình bày rằng toàn bộ doanh thu tổng lực của công ty đều từ kinh doanh taxi và thiệt hại của Vinasun trong thời gian qua là do Grab gây ra. Luật sư của Vinasun đưa ra 3 báo cáo phân tích của 3 công ty chứng khoán, kết quả nghiên cứu thị trường trong việc giảm lợi nhuận để chứng minh thiệt hại của Vinasun do chính Grab vào Việt Nam và gây ra. Việc Grab mở rộng địa bàn, gia tăng số lượng xe đã khiến Vinasun giảm lợi nhuận, tăng nhiều chi phí.
Đại diện Grab trình bày trong phiên tòa ngày 26-12
Trong số doanh nghiệp tham gia đề án thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải thì Grab chiếm số lượng xe cực kỳ lớn, phần Vinasun và Mai Linh số xe thí điểm rất nhỏ. Vinasun bảo lưu quan điểm tranh luận từ trước đến nay khi cho rằng chính Grab tham gia thị trường vận tải taxi đã khiến các hãng xe truyền thống chao đảo và mong tòa đưa ra phán quyết công bằng, khách quan.
"Nếu sai phạm của Grab không được ghi nhận, thiệt hại của Vinasun không được ghi nhận thì đó là sự thiệt thòi, mất mát lớn cho chúng tôi vì Vinasun đóng góp lớn cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho người dân. Vinasun chỉ thua Grab về khả năng vi phạm pháp luật chứ không thua Grab gì hết. Hoạt động của chúng tôi đã thu hút 800 tỉ đồng đầu tư nước ngoài, phát triển bền vững, tạo ra nền tảng để xây dựng cơ sở hạ tầng, bến bãi, tạo công ăn việc làm cho người dân" - đại diện Vinasun nhận định.
Grab có thể qua mặt Chính phủ?
Phản biện Vinasun, đại diện Grab nói Vinasun yêu cầu bồi thường có nhiều yếu tố, trong đó có việc giảm lợi nhuận. Yêu cầu bồi thường là không hợp lý vì Vinasun không phân tích toàn diện việc Grab gây thiệt hại cho Vinasun như thế nào.
Đại diện Grab đề nghị tính toán lại, tập trung được yếu tố liên quan đến số tiền bồi thường và việc phân tích lại phải do một cơ quan độc lập cũng như có sự đồng ý của Grab. Grab biện minh những con số thiệt hại không xuất hiện trong báo cáo tài chính trong khi phía Vinasun khẳng định báo cáo này đã được kiểm toán.
Đại diện Grab xác định Vinasun không chứng minh được mối quan hệ của việc giảm lợi nhuận của Vinasun với việc hãng này kêu ca Grab vi phạm pháp luật. Từ đó, Grab tái khẳng định việc nghi ngờ báo cáo giám định thiệt hại của Công ty Cửu Long. Grab yêu cầu bác bỏ mọi quan điểm giám định của các công ty giám định mà Vinasun cung cấp, yêu cầu đình chỉ vụ án. Bởi lẽ, theo Grab, Vinasun không chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật nào của Grab làm ảnh hưởng đến Vinasun.
"Điều Vinasun cần làm là liên tục đổi mới để mang đến dịch vụ tốt hơn cho người dùng Việt Nam. Đó mới là lý do chúng tôi muốn ngồi lại với Vinasun và giúp Vinasun phát triển tốt hơn, muốn Vinasun sử dụng nền tảng hoạt động của chúng tôi. Nếu Vinasun cho rằng Grab giỏi lách luật, liệu có thể qua mặt được Chính phủ hay không? Đó mới là câu hỏi lớn chúng tôi đặt ra trước khi Vinasun đưa ra cáo buộc đối với người khác. Vinasun cho rằng mình là doanh nghiệp lớn, ra đời lâu nhưng đưa ra nhận định mơ hồ như vậy liệu có đáng để xem xét hay không. Grab đề nghị tòa kết thúc vụ án này bằng cách đình chỉ vụ án để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh" - đại diện Grab nêu vấn đề.
Trước đó, Grab đã đồng ý đàm phán thương vụ mua cổ phần của Vinasun với giá chênh lệch so với thị trường khoảng 65 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc ngồi lại với nhau đã thất bại và Vinasun vẫn bảo lưu quan điểm khởi kiện, đòi bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng.
Bình luận (0)