Ông Trần Bá Đại (ngụ huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) bị VKSND huyện Cẩm Mỹ truy tố với tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ông bị bắt giam, sau đó cho tại ngoại và trong phiên xử sơ thẩm, TAND huyện Cẩm Mỹ tuyên phạt ông 1 năm cải tạo không giam giữ.
Né bồi thường oan sai?
Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2007, bà L. và ông H. có quen nhau. Bà L. biết ông H. có thể vay vốn ngân hàng do là giám đốc doanh nghiệp nên nhờ đứng ra vay 500 triệu đồng, thế chấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Cùng thời gian này, có hai vợ chồng cũng nhờ bà L. vay 50 triệu đồng nếu có thể thế chấp một GCNQSDĐ khác. Bà L. đồng ý, "sẵn dịp" nhờ luôn ông H. Từ đây, ông H. và bà L. đã làm giả hồ sơ, "mượn" giấy tờ đất của 2 người trên để vay vốn của một ngân hàng.
Năm 2008, bà L. nhờ một người quen, lợi dụng quen biết và có sự tin tưởng của ông Đại, mang hợp đồng chuyển nhượng có sẵn các chữ ký của 2 người nói trên đến nhờ ông Đại chứng thực tại UBND xã. Thời điểm này, ông Đại là cán bộ địa chính xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ (đang được phân công hỗ trợ bộ phận tư pháp do người của bộ phận này nghỉ phép) đã trình hồ sơ chứng thực lên chủ tịch UBND xã ký mà không biết đó là hợp đồng giả mạo. Tại tòa sau đó, các đương sự thừa nhận có hành vi gian dối nhưng không lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai sau đó tuyên hủy toàn bộ bản án, khẳng định không thể cáo buộc hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông H., bà L., cũng như hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với ông Đại. Cùng được tòa tuyên bố chưa thể xác định tội còn có ông Võ Văn B., nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Bảo, người ký chứng thực hồ sơ. Trước đó, ông B. bị tòa sơ thẩm tuyên 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ cùng tội danh như ông Đại (1 năm cải tạo không giam giữ).
Ngày 6-7-2016, VKSND huyện Cẩm Mỹ ra quyết định đình chỉ vụ án, áp dụng khoản 1 điều 25 Bộ Luật Hình sự miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với ông Đại. Ông B. cũng được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hiện ông Đại và ông B. vẫn hằng ngày mệt mỏi vác đơn đi kêu oan. Tất cả bị can trong vụ án (gồm cả ông H., bà L.) sau đó cũng đều đã được đình chỉ điều tra.
Ông Đại cho rằng VKSND huyện Cẩm Mỹ đã làm việc tùy tiện, gây tổn thất rất lớn đến bản thân và gia đình ông. Sự nghiệp, kinh tế tiêu tan, tinh thần ảnh hưởng, bạn bè dè bỉu khinh khi, danh dự gia đình mất mát không gì bù đắp được. Ông Đại cho rằng việc VKSND huyện Cẩm Mỹ áp dụng điều 25 trong trường hợp này là nhằm "né bồi thường oan sai". "Quá trình xử lý kéo dài gần 3 năm, trong đó tôi bị bắt giam 78 ngày nhưng họ không đi đến tận cùng công lý, gây oan sai cho bản thân tôi nhưng né bồi thường, minh oan và chịu trách nhiệm…" - ông Đại trình bày.
Ông Trần Bá Đại cho rằng cơ quan tố tụng sai dẫn đến ông không có tội nhưng được miễn tội
Cần xem lại
Theo ông Đại, quyết định đình chỉ vụ án của VKSND huyện Cẩm Mỹ ghi rõ: Hành vi của bà L. và ông H. không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng nói trên vì theo luật thì GCNQSDĐ không phải tài sản, và tài sản là đất và kiến trúc trên đất vẫn do chính chủ quản lý, sử dụng. Và mặc dù bà L., ông H. đã dùng chiêu thức qua mặt cơ quan chức năng, chuyển quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng, bị VKSND huyện Cẩm Mỹ xác định "có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ngân hàng" nhưng chính ngân hàng này cũng không yêu cầu xem xét xử lý hình sự hoặc bồi thường. Điều đó cho thấy đây là bản chất vụ việc, không có nạn nhân và thiệt hại nào xảy ra, không hề có "chuyển biến tình hình" (chính sách pháp luật hay điều kiện xã hội thay đổi), vì vậy để áp dụng vào khoản 1 điều 25 là không hợp lý. Tất cả bị can liên quan toàn bộ vụ án với 2 tội danh trên (gồm cả ông H., bà L.) sau đó đều được đình chỉ điều tra.
Điều đặc biệt hơn, cũng trong quyết định đình chỉ vụ án, VKSND huyện Cẩm Mỹ xác định ông Đại (và ông B.) không biết hành vi giả mạo hồ sơ nhưng lại cho rằng 2 bị can này… có dấu hiệu tiếp tay cho hành vi giả mạo hồ sơ (!).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Út (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết trên cả nước thời gian qua xảy ra nhiều trường hợp khúc mắc khi cơ quan điều tra, tố tụng áp dụng điều 25 Bộ Luật Hình sự. Nhiều bị can được đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự kêu oan, cho rằng việc áp dụng luật tùy tiện. Người được miễn trách nhiệm hình sự vẫn bị xác định là có tội, chỉ do "chuyển biến tình hình" mà được miễn trách nhiệm hình sự. Nhiều người vướng lao lý khiến sự nghiệp, gia đình tan nát, suốt cuộc đời bị hàm oan. Họ có cơ sở để được xác định là không có tội nhưng lại bị ép vào… điều 25 để được miễn tội.
"Đây là điều luật theo tôi là rất nhân văn, tuy nhiên rất dễ bị cơ quan tố tụng áp dụng sai lệch để trốn tránh trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi của mình khi có thiếu sót trong điều tra, tố tụng. Vì vậy, cần có sự giám sát chặt và phải rà soát lại. Trên thực tế hiện trên cả nước cũng đang có sự rà soát xung quanh việc áp dụng điều luật này…" - luật sư Út nói.
Khoản 1, điều 25 Bộ Luật Hình sự: "Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa".
Bình luận (0)