Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, tiếp tục điều tra, chúng tôi được biết trong khoảng thời gian trước và sau vụ án xảy ra, ngoài liên lạc hàng trăm cuộc điện thoại với ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên cán bộ QLTT tỉnh Long An), bà Trần Thúy Liễu (vợ nhà báo Hoàng Hùng) còn liên lạc với nhiều người khác, trong đó có chủ thuê bao ở tận ngoài tỉnh Quảng Ninh. Có thể thấy rằng thiếu những chứng cứ này, không thể giải quyết được vụ án một cách khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.
Vậy nên, việc CQĐT Công an tỉnh Long An bỏ qua việc thu thập thông tin nội dung tin nhắn hoặc chậm điều tra, tự làm khó mình như thế không đơn giản là thiếu sót về nghiệp vụ.
Quan trọng hơn, băng ghi âm lời sinh cung của nạn nhân do CQĐT tiến hành ghi âm và biên bản mở băng ghi âm không giống nhau về nội dung lẫn hình thức. Câu hỏi đặt ra: Liệu CQĐT đã cung cấp đầy đủ băng ghi âm cho tòa án hay chưa khi có một số lời khai của nạn nhân không thấy thể hiện trong biên bản mở băng; ngược lại, có một số nội dung thể hiện trong biên bản mở băng lại không có trong những file băng ghi âm mà CQĐT cung cấp cho tòa án mà luật sư được tiếp cận?
Ngày 29-3, TAND tỉnh Long An xét xử sơ thẩm đã tuyên án chung thân đối với bị cáo Trần Thúy Liễu về tội giết người. Tuy nhiên, diễn biến phiên tòa đã gây thất vọng cho đa số người theo dõi.
Có một sự thật mà bất kỳ ai theo dõi phiên tòa cũng có thể thấy, đó là việc bà Liễu một mình thực hiện hành vi phạm tội hay có đồng phạm tham gia đã không được HĐXX làm sáng tỏ bằng những câu hỏi sắc sảo, trọng tâm, bóc trần sự thật và một nhận định thật sự thuyết phục đủ sức đánh tan những điểm nghi vấn, còn mờ ảo trong vụ án. Ngược lại, cơ quan tố tụng lại né tránh nhiều vấn đề luật sư đặt ra...
Bình luận (0)