Theo dự kiến, ngày 10-2, TAND Cấp cao tại TP HCM sẽ xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của các bị cáo trong vụ tiêu cực xảy ra tại VN Pharma.
TAND Cấp cao sẽ triệu tập hơn 190 người có liên quan đến vụ án để phục vụ công tác xét xử. Bên cạnh đó, tổ giám định liên quan đến vụ án cũng được triệu tập để làm rõ nhiều vấn đề.
Trước đó, sau 8 ngày xét xử và nghị án, chiều 1-10, TAND TP HCM đã tuyên án đối với 12 bị cáo trong vụ tiêu cực tại VN Pharma.
HĐXX tuyên phạt Võ Mạnh Cường 20 năm tù; Nguyễn Minh Hùng 17 năm; Nguyễn Trí Nhật 12 năm; Ngô Anh Quốc 11 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 7 năm tù giam.
Sau khi tòa tuyên án, Nguyễn Minh Hùng không kháng cáo, chấp nhận mức án 17 năm tù. Các bị cáo còn lại kháng cáo kêu oan hoặc xin giảm án.
Bên cạnh mức án đối với các bị cáo, HĐXX kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao nhanh chóng xác minh đối tượng Raymondo có liên quan đến vụ án. Đề nghị Bộ Y tế rà soát giá thuốc, đặc biệt là thuốc nhập khẩu để điều chỉnh giá thuốc cho phù hợp.
Về việc VKS đề nghị điều tra hành vi làm lộ bí mật Nhà nước vì để ông Ngô Nhật Phương (một người xuất hiện tại tòa cung cấp nhiều tài liệu mật) có tài liệu mật của Bộ Y tế. HĐXX chuyển yêu cầu của VKS cho Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an điều tra theo thẩm quyền.
Liên quan đến vụ án này, Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan liên quan.
Đáng chú ý, sau bản án sơ thẩm, VKSND Tối cao (Vụ 3) đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với 7 người về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (giai đoạn hai của vụ án).
Theo đó, cựu chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng giấy phép đăng ký lưu hành (visa) có sẵn của bốn loại thuốc do Công ty Health 2000 Canada sản xuất, được Cục Quản lý dược cấp cho Công ty Coduphar và Công ty Vimedimex, móc nối với Võ Mạnh Cường mua bốn loại thuốc kháng sinh là Kafotax - 1000, Kaderox - 250, H2K Levfloxacin và H2K Coprofloxacin.
Hành vi của cựu chủ tịch VN Pharma và đồng phạm được cơ quan điều tra đánh giá là gây hậu quả nghiêm trọng hơn bởi bốn loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ VN Pharma nhập lậu về đã tiêu thụ hết.
Trước đó, tháng 9-2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan liên quan. Vụ án này hiện cơ quan chức năng chưa công bố kết quả điều tra.
Bản án sơ thẩm xác định đủ cơ sở xác định các bị cáo đã có hành vi làm giả giấy tờ, chứng từ... để nhập khẩu lô thuốc H-Capita rồi nâng khống giá trị để bán kiếm lời.
Các bị cáo đã nhập được 9.300 hộp thuốc H-Capita. Toàn bộ lô thuốc trên làm giả về nguồn gốc, xuất xứ, tạp chất định danh không đủ tiêu chuẩn, hồ sơ kỹ thuật thuốc đã bị làm giả, thuốc là thuốc kém chất lượng.
Từ đó, HĐXX cho rằng có đủ căn cứ xác định các bị cáo đã phạm tội sản xuất, mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Trong đó, bị cáo Hùng là người chủ mưu, cầm đầu, Cường là người có vai trò hết sức quan trọng trong vụ án, các bị cáo khác có vai trò giúp sức.
Tổng quan và diễn biến vụ VN Pharma
VN Pharmar thành lập năm 2011, trụ sở tại quận 10, TP HCM do Nguyễn Minh Hùng (SN 1978) làm Tổng Giám đốc.
Năm 2012, Nguyễn Minh Hùng cấu kết với Võ Mạnh Cường (SN 1978, Giám đốc Công ty Hàng hải quốc tế H&C) nhập thuốc điều trị ung thư về VN tiêu thụ.
Năm 2013, Hùng thống nhất mua thuốc điều trị ung thư vú, ung thư đại trực tràng từ Cường giá 24 USD/hộp/30 viên có nguồn gốc của Công ty Helix Canada. Cả hai cấu kết lập hồ sơ giả nộp lên Cục Quản lý Dược Bộ Y tế xin phép nhập thuốc.
Nguyễn Minh Hùng đã mượn pháp danh Công ty Austin Hồng Kông nhập 200.000 hộp thuốc H-Capital rồi đưa cho lãnh đạo công ty này 10.000 USD.
Tháng 12-2013, ông Trương Quốc Cường (Cục trưởng Cục Quản Lý Dược, nay là thứ trưởng Bộ Y Tế) ký công văn đồng ý cho nhập 200.000 hộp thuốc H-Capital.
Hồ sơ giả dễ dàng qua mặt Bộ Y tế và Nguyễn Minh Hùng nâng giá thuốc từ 27 USD/hộp lên 75 USD/hộp.
Các bị cáo đã chi 14,1 tỉ đồng cho bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện để tuồn thuốc vào bệnh viện.
Tháng 4-2014, nhập 9300 hộp thuốc H-Capita về VN tiêu thụ. Hùng dùng công ty do mình sáng lập đấu thầu rồi trúng thầu thuốc vào các bệnh viện tại TP HCM bán cho người bệnh.
Tháng 8-2014, Bộ Y tế có công văn dừng nhập khẩu, lưu hành thuốc.
Tháng 9-2014 Bộ Công an Khởi tố vụ án.
Lô thuốc 9300 hộp H-Capita ghi nguồn gốc Canada nhưng kết quả xác minh Công ty Helix Canada là công ty "ma".
Các thùng thuốc dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ.
Interpol Ấn Độ trả lời không có thông tin về lô thuốc.
Kết quả giám định: Bộ Y tế khẳng định thuốc không dùng chữa bệnh cho người.
Cáo trạng xác định các bị cáo thu lợi 6 tỉ đồng từ việc bán thuốc ung thư giả.
Ngày 25-8-2017, TAND TP HCM xử sơ thẩm,tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng mức án 12 năm tù về tội "Buôn lậu". Bảy bị cáo khác lãnh từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 5 năm tù về các tội "Buôn lậu" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Ngày 30-10-2017, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP HCM đã tuyên trước đó đối với Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng các đồng phạm.
Ngày 24-9-2019, TAND TP HCM xử sơ thẩm lần 2. VKS đề nghị tuyên phạt Võ Mạnh Cường 20 năm tù, Nguyễn Minh Hùng từ 18 đến 19 năm tù; 10 người khác từ 3 đến 14 năm tù.
Con số kỷ lục: trong vòng 4 ngày Bộ Y tế vừa đi kiểm tra vắc-xin ở Ấn Độ vừa kiểm tra chất lượng thuốc, xuất xứ thuốc H-Capita.
Bộ Y tế khẳng định thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ.
VKS nói: Rất khâm phục Bộ Y tế
Doanh nhân Ngô Ngọc Phương ra tòa khẳng định thuốc H-Capita có nguồn gốc từ Ấn Độ.
VKS kiến nghị điều tra lộ bí mật nhà nước do tài liệu ông Phương có trước khi Bộ Y tế giải mật.
Các vấn đề chưa rõ: Chi 14,1 tỉ đồng hoa hồng cho bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện nào. Ai cung cấp hồ sơ mật cho ông Phương? Ông Phương ra tòa với mục đích gì?
Bình luận (0)