Chiều 28-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp về chấn chỉnh công tác hành nghề y tư nhân trên địa bàn TP Hà Nội và cả nước sau vụ chết người ở Thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường. Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP Hà Nội sớm xử lý ngay trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị quản lý để xảy ra vụ sai phạm tại TMV Cát Tường, muộn nhất trước ngày 10-11 tới phải báo cáo kết quả.
Yêu cầu xử lý nghiêm
Cũng theo bà Ngọc, ngày 24-10 vừa qua, UBND TP đã yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng phải xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, đơn vị liên quan trong việc buông lỏng quản lý đối với TMV Cát Tường. Dự kiến cuối tuần này, UBND quận Hai Bà Trưng sẽ có báo cáo chính thức với TP về kết quả xử lý.
Thừa nhận quản lý lỏng lẻo
Về trách nhiệm của người đứng đầu ngành y tế sau vụ bác sĩ TMV Cát Tường vứt xác bệnh nhân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giãi bày: “Không phải Bộ Y tế “mất bò mới lo làm chuồng” mà thực tế bộ đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo công tác thanh - kiểm tra cơ sở hành nghề y tư nhân. Tuy nhiên, những vụ sai phạm như tại TMV Cát Tường hay trước đó là Phòng khám Maria và nhiều cơ sở khác đã cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc, lỗ hổng trong công tác quản lý lĩnh vực này”. Bộ trưởng Tiến cho biết trách nhiệm để xảy ra sai phạm trước hết thuộc về cá nhân có hành vi sai phạm, tiếp đến là công tác quản lý các quảng cáo về dịch vụ y tế, lĩnh vực này đang rất lỏng lẻo.
“Với vụ việc cụ thể tại TMV Cát Tường, Phòng Kế hoạch Tài chính UBND quận Hai Bà Trưng cấp đăng ký kinh doanh cho cơ sở ghi lĩnh vực hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ là không đúng. Cơ sở không xin giấy phép hành nghề tại sở y tế, giữa quận và sở y tế không phối hợp để nắm được thông tin, trong khi Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội chỉ đi kiểm tra các cơ sở được cấp phép nên bỏ sót cơ sở hành nghề chui. Phải nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, cụ thể là các xã, phường” - bà Tiến nói.
Thừa nhận UBND quận Hai Bà Trưng phải chịu một phần trách nhiệm nhưng ông Cao Sỹ Phong, Phó Chủ tịch UBND quận, cho rằng trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương quá nặng nề. Cả phòng y tế chỉ có 9 cán bộ, trong đó có 3 bác sĩ trong khi địa bàn quận có trên 550 cơ sở hành nghề nên khó có thể bao quát hết. Ông Phong đề nghị sở y tế cũng phải tăng cường hỗ trợ, phối hợp quản lý.
Về việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, công tác ở Khoa Ngoại - Bệnh viện (BV) Bạch Mai, mở phòng khám tư nhưng lãnh đạo BV này không biết, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai, lý giải: “Pháp luật hiện không cấm bác sĩ trong BV công lập làm thêm ngoài giờ, cũng không có quy định yêu cầu bác sĩ phải báo cáo BV khi làm thêm ngoài giờ, mở phòng khám tư. Nhiều bác sĩ mở phòng khám tư giấu BV, không báo cáo nên không thể quản lý được nếu không có sự kết nối giữa BV với cơ quan quản lý địa phương” - ông Quốc Anh phân trần.
Tăng cường rà soát, xử phạt Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế phải hướng dẫn để các BV có cách nắm bắt được bác sĩ của BV làm thêm ở ngoài và yêu cầu bác sĩ mở phòng khám tư bên ngoài BV phải cam kết làm đúng pháp luật. Đồng thời, rà soát các lỗ hổng trong quản lý hành nghề y tư nhân, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tìm giải pháp siết chặt quản lý quảng cáo dịch vụ y tế tư nhân. “Với các địa phương, phải tăng cường kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn. Nếu có phép mà qua kiểm tra không đủ điều kiện thì yêu cầu ngưng hoạt động ngay để chấn chỉnh” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. |
Bình luận (0)