Bị cáo Trần Văn Thống (giữa) được tại ngoại sáng ngày 24-10
Ngày 26-10, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, VKSND huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa) đã ký quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo Trần Văn Thống (SN 1964, ngụ thôn Yên Châu, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), người bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trong quyết định nêu rõ bị cáo Trần Văn Thống được tại ngoại trong lúc chờ các cơ quan chức năng điều tra lại vụ án theo thủ tục và cấm đi khỏi địa phương, nếu vi phạm sẽ thay đổi biện pháp ngăn chăn khác.
Trước đó, Báo Người Lao Động ra ngày 18-10 có bài viết “Hủy bản án có nhiều vi phạm” đề cập đến vụ án này. Đây là phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Thống với tội danh trên. Tuy nhiên, do bản án sơ thẩm có nhiều mâu thuẫn, chưa đúng thực tế, vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật Tố tụng Hình sự… nên HĐXX cấp phúc thẩm tuyên hủy án điều tra lại.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 14 giờ ngày 2-4, bị cáo Thống đến nhà em trai là Trần Văn Thiệu để giúp đào móng làm ao thả cá. Do có sự tranh chấp đất đai giữa gia đình anh Thiệu với gia đình bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1957, hàng xóm) nên bà Thanh ra ngăn cản và chửi anh em Thống. Lúc này, bị cáo Thống xúc đất hắt vào người bà Thanh để xua đuổi, bà này không đi, Thống dùng lưỡi xẻng đâm vào môi, dùng cán xẻng đánh nhiều cái vào người.
Quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Trần Văn Thống
Giám định pháp y kết luận bà Thanh bị tổn hại sức khỏe 15%. Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Tĩnh Gia tuyên phạt Thống 2 năm tù giam. Tuy nhiên, sau đó bị cáo Thống đã kháng án kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thống cho rằng không hiểu biết pháp luật nên khi công an nói ký nhận vào bản khai sẽ không có tội, nên đã ký.
Trong quá trình xét xử tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS và luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra nhiều tình tiết nghi vấn, không khách quan như cáo trạng miêu tả cụ thể thương tích trên người bà Thanh nhưng kết luận điều tra không có những tình tiết này. Điều không hợp lý là cùng một thời gian, bà Thanh cấp cứu ở 2 nơi khác nhau.
Đại diện VKSND cấp phúc thẩm cho rằng các điều tra viên Công an huyện Tĩnh Gia đã vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật Tố tụng Hình sự, như: Trong khi ra quyết định bắt tạm giam bị cáo, không triệu tập nhân chứng, bị cáo lấy lời khai để làm chứng cứ mà lại lấy những lời khai trước đó; nhiều tình tiết trong biên bản bàn giao hồ sơ và tang vật không được các điều tra viên đưa vào bản kết luật điều tra.
Bình luận (0)