Hôm nay 21-11, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang và 8 bị cáo khác trong vụ án mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A/H5N1, gây thất thoát 3,8 triệu USD.
Bị cáo Cao Minh Quang (áo trắng) chống gậy, được luật sư dìu tới phiên toà
Tại phiên toà, bị cáo Cao Minh Quang khai căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra toàn diện kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H5N1) để báo cáo, đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc thực thi phạm vi hợp đồng của 4 công ty.
"Sau khi đoàn kiểm tra xong, có báo cáo nhưng nội dung rất rộng. Bị cáo nhớ phần tài chính của Công ty Dược Cửu Long có được báo cáo về số tiền 3,8 triệu USD. Lúc đó, bị cáo chưa có chỉ đạo gì thêm mà chỉ nhận được kiến nghị từ Bộ Tài chính về việc kiểm tra nội dung xoay quanh số tiền trên" - cựu thứ trưởng khai và cho biết bị cáo đã ký vào báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo bị cáo Cao Minh Quang, trong báo cáo, phần chính không đề cập tới số tiền 3,8 triệu USD Công ty Dược Cửu Long, nhưng có kèm theo phụ lục ghi là vẫn còn nợ nhà cung cấp nước ngoài 3,8 triệu USD. Tuy nhiên, thời điểm ký, do đã vượt quá thời gian Công ty Dược Cửu Long cam kết, phần đó bị cáo không được báo cáo.
Chủ tọa truy hỏi: "Tại sao bị cáo không yêu cầu Cục Quản lý dược báo cáo?".
Bị cáo Quang thừa nhận có thiếu sót vì trong báo cáo này có rất nhiều nội dung. "Bộ Tài chính có văn bản kiến nghị về số tiền này, bị cáo cũng không yêu cầu kiểm tra bởi trong tư duy của bị cáo, phần việc đó đã có bộ phận khác đảm nhiệm. Bị cáo không được báo cáo và tham gia từ đầu, cái này Bộ trưởng chỉ đạo trực tiếp. Bị cáo được biết hợp đồng đã được thanh lý từ 2007, những phần tồn đọng đã được bộ phận khác thực hiện nên bị cáo không quan tâm, kiểm tra, giám sát" - cựu thứ trưởng Quang lý giải.
Về số tiền thiệt hại hơn 3,8 triệu USD, cựu thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng bị cáo đã có trách nhiệm vì quá tin tưởng cấp dưới khi chỉ đạo Cục Quản lý Dược thực hiện mà thiếu kiểm tra, giám sát. "Sai sót, khuyết điểm này không dẫn trực tiếp tới việc Công ty Dược Cửu Long không nộp lại số tiền này. Việc này do phía Công ty Dược Cửu Long đã cố tình che giấu" - cựu thứ trưởng khai.
Bị cáo Cao Minh Quang cũng cho rằng sau này có nhiều đoàn thanh, kiểm tra mới phát hiện ra Công ty Dược Cửu Long đã được giảm giá hơn 3,8 triệu USD.
Theo cáo trạng, Công ty Dược Cửu Long được Bộ Y tế giao kế hoạch và đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir phòng chống dịch cúm A (H5N1) từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu theo hình thức ký và thực hiện các hợp đồng kinh tế. Theo quy định của pháp luật về quản lý giá hàng hóa, dịch vụ do nhà nước đặt hàng sản xuất bằng nguồn ngân sách nhà nước, Công ty Dược Cửu Long phải chấp hành cơ chế quản lý giá và các mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất thuốc, Công ty Dược Cửu Long được giảm giá mua nguyên liệu nhưng với động cơ vụ lợi, Lương Văn Hóa, cựu tổng giám đốc Công ty Dược Cửu Long, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn chỉ đạo cấp dưới hạch toán trái nguyên tắc kế toán và lập thư giãn nợ để che giấu việc kiểm tra, thanh tra. Cùng với đó, bị cáo Hoá chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ thanh toán che giấu nhằm giữ lại số tiền giảm giá mua nguyên liệu hơn 3,8 triệu USD để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Cáo trạng xác định các bị cáo thuộc Bộ Y tế được giao nhiệm vụ ký kết hợp đồng, theo dõi việc thực hiện, thanh quyết toán hợp đồng và định kỳ kiểm tra, đánh giá việc mua bán nguyên liệu sản xuất thuốc giữa Công ty Dược Cửu Long và nhà cung cấp. Song các bị cáo trong vụ án đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, không xem xét, đánh giá việc thực hiện điều kiện đàm phán giá mua nguyên liệu, không kiểm tra báo cáo tài chính, chứng từ thanh toán… Việc này dẫn đến hậu quả không phát hiện Công ty Dược Cửu Long được giảm giá và giữ lại số tiền 3,848 triệu USD.
Bị cáo Cao Minh Quang với tư cách trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc Tamiflu và Oseltamivir, ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc. Tuy nhiên, khi được trưởng đoàn là ông Nguyễn Việt Hùng báo cáo về việc Dược Cửu Long chưa thanh toán cho nhà cung cấp hơn 3,8 triệu USD, đồng thời cả Bộ Tài chính và Bộ Y tế đều có chỉ đạo kiểm tra điều tra với số tiền này, cựu thứ trưởng Bộ Y tế đã không chỉ đạo kiểm tra, làm rõ. Từ đó gây thất thoát số tiền này.
Bình luận (0)