Ngày 28-10, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục phiên tòa với phần xét hỏi bị cáo Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) và Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) cùng 72 đồng phạm về tội "Buôn lậu" và "Nhận hối lộ".
Tổ chức chặt chẽ
Trong phần thẩm vấn, bị cáo Phan Thanh Hữu khai việc nhập khẩu xăng lậu từ Singapore về Việt Nam đều phải làm việc và xin cảnh sát biển, biên phòng thì tàu mới ra, vào.
Theo cáo trạng, cuối năm 2019, Hữu bàn với Viễn hùn vốn để buôn lậu xăng dầu. Hữu, Viễn cùng Phạm Hùng Cường (ngụ TP Hải Phòng), Phùng Danh Thoại (Trưởng Phòng Xăng dầu Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) và Trọng (chưa rõ lai lịch) góp tổng số vốn là 53,4 tỉ đồng để mua xăng lậu từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ và chia nhau lợi nhuận.
Bị cáo Hữu (trái) và Viễn bị cáo buộc cầm đầu đường dây xăng lậu
Nhờ Viễn giới thiệu, Hữu liên hệ với chủ hàng ở Singapore thỏa thuận về giá và cách thức nhận hàng. Khi có nhu cầu mua xăng nhập lậu, Hữu trực tiếp đi xe máy mang USD đưa cho đại diện của chủ hàng Singapore tại TP HCM.
Sau đó, Viễn điều 2 tàu biển chuyên dụng đậu tại vùng biển tự do. Khi có thông báo, các tàu này sẽ vào cảng Vopak của Singapore liên lạc với đại lý để nhận hàng.
Tàu nhận hàng về đến vùng biển Việt Nam, Hữu chỉ đạo nhân viên đưa 3 tàu Nhật Minh ra nhận xăng chở về khu vực sông Hậu thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long.
Tiếp đó, xăng sẽ được giao cho đồng phạm trong đó có Nguyễn Hữu Tứ. Hai tàu Khánh Hòa sẽ tiếp tục tiếp nhận hàng để đưa vào cảng Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa tiêu thụ.
Hơn 196 triệu lít xăng được tiêu thụ
Từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Hữu cùng các bị can đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 200 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỉ đồng. Trong đó, hơn 196 triệu lít được tiêu thụ, thu lợi hàng trăm tỉ đồng, riêng Hữu hưởng lợi hơn 105 tỉ đồng.
Để đối phó với các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, Hữu đã sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Hải Minh Nhật lập hợp đồng khống nhận vận chuyển xăng cho Công ty Phan Lê Hoàng Anh do Hữu làm giám đốc. Hữu còn thỏa thuận với Nguyễn Hữu Tứ, Lê Thanh Trung (Công ty Tây Nam) sử dụng chứng từ nhập khẩu xăng của Công ty Tây Nam xuất hóa đơn GTGT.
Về phương thức nhập xăng giữa các tàu Pacific Ocean, tàu Western Sea với các tàu Nhật Minh 07, 08, 09, khi các thuyền trưởng tới gần vị trí neo đậu các tàu trên thì sử dụng bộ đàm Kênh 16 (kênh liên lạc chung của tàu biển) để liên lạc với Trần Văn Việt (thuyền trưởng tàu Pacific Ocean)… Sau đó, các bên chuyển qua Kênh 71 để trao đổi riêng về việc giao, nhận xăng lậu để tránh bị phát hiện. Các lần giao, nhận đều thực hiện vào ban đêm.
Sau khi giao xong, các tàu trên di chuyển, neo đậu về vùng biển OPL (vùng biển tự do, giáp ranh các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia).
Để tránh bị cơ quan chức năng theo dõi, trong suốt quá trình giao nhận, vận chuyển xăng lậu của các tàu Nhật Minh về khu vực nhà nuôi yến của Nguyễn Hữu Tứ trên sông Hậu (ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).
Do xăng nhập lậu màu trắng, Hữu mua bột màu và dung môi cho nhân viên đưa lên tàu pha chế thành màu vàng nhạt (giống xăng trong nước).
Khi xăng nhập lậu về tới nhà nuôi yến của Tứ trên sông Hậu thì sẽ được tiếp tục vận chuyển về kho chứa xăng của Công ty TNHH Đông Dương do Hữu đứng tên.
Việc vận chuyển do Tứ chịu trách nhiệm. Tứ sử dụng các tàu Huỳnh Ngân, Huỳnh Ngân 2, Sơn Tiền của Tứ và Tàu Tây Nam 01 của Trung vận chuyển xăng lậu từ khu vực nhà nuôi yến của Tứ đưa về kho Nam Phong và bơm bán trực tiếp sang các tàu Vân Trúc của Trần Thị Thanh Vân.
Số xăng còn lại được Tứ bơm lên kho Nam Phong để bán lại cho Lê Thanh Trung và các đối tượng khác với giá thấp hơn giá bán lẻ của Petrolimex từ 2.700 - 3.000 đồng/lít.
Tứ còn sử dùng tàu Tây Nam 01 cùng một số tàu khác chở xăng nhập lậu đi Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long để bán.
Để hợp thức hóa việc vận chuyển xăng lậu từ khu vực nhà nuôi yến của Tứ lên kho Nam Phong, từ tháng 5-2020 về trước, Trung, Hữu sử dụng pháp nhân là các công ty bình phong lập ra các hợp đồng, hóa đơn khống…
Mua chuộc cán bộ
Để các tàu chở xăng lậu "thuận buồm xuôi gió", Phan Thanh Hữu tìm cách tiếp cận, mua chuộc hàng loạt sĩ quan cảnh sát biển, biên phòng và những cán bộ có chức trách thuộc lực lượng hải quan, CSGT.
Cụ thể, sau lần tiếp cận nhờ ông Phùng Danh Thoại (Trưởng Phòng Xăng dầu Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) "chạy án" nhưng bị từ chối, Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn đã rủ ông Thoại góp vốn 5 tỉ đồng để buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam. Lợi nhuận thu được từ việc buôn bán xăng lậu, nhóm ông Thoại, Viễn và Cường hưởng 60%. Trước cám dỗ, ông Thoại đã không giữ được mình.
Ngoài ông Thoại, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 Lê Văn Minh bị cáo buộc "vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn" đã trực tiếp nhận và thông qua vợ con, nhận của "trùm" buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỉ đồng.
Bình luận (0)