Ngày 24-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình cho biết đã thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hoà Bình) từ tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" thành tội "Vô ý làm chết người" theo Bộ Luật Hình sự.
Bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn luôn khẳng định mình vô tội - Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Đây là lần thứ 3 bị can Hoàng Công Lương bị thay đổi tội danh, sau lần đầu là tội "Vi phạm quy định về chữa bệnh" và lần thứ 2 là tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng ngày 24-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã có quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quý Dương, nguyên giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, để làm rõ trách nhiệm của ông này trong sự cố chạy thận. Ông Dương bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trước đó, ngày 29-5-2017, tại BVĐK tỉnh Hòa Bình xảy ra sự cố chạy thận làm 9 người chết.
Ba bị can sau đó bị truy tố trong vụ án này gồm: bác sĩ Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ Phòng Vật tư BVĐK tỉnh Hòa Bình) tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) tội "Vô ý làm chết người".
Tại phiên tòa xét xử 3 bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc hồi tháng 6 vừa qua, TAND TP Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để điều tra làm rõ chứng cứ buộc tội và gỡ tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương.
Theo HĐXX, đây là vụ án được dư luận quan tâm, qua những ngày xét xử, phiên tòa xét xử diễn ra công khai đúng tinh thần cải cách tư pháp.
Quá trình xét xử, HĐXX nhận thấy có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, chứng cứ buộc tội Hoàng Công Lương còn chưa đầy đủ, bỏ lọt tội phạm và xuất hiện nhiều tình tiết mới.
HĐXX đề nghị VKSND điều tra bổ sung nhiều vấn đề. Trong đó, kiến nghị khởi tố, điều tra với ông Hoàng Đình Khiếu, phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, và ông Trần Văn Thắng, nguyên trưởng Phòng Vật tư BVĐK tỉnh Hòa Bình, về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương, nguyên giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong việc ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn, đơn vị ký hợp đồng sửa chữa với BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố thêm 2 bị can trong vụ án gồm ông Hoàng Đình Khiếu và ông Trần Văn Thắng. 2 bị can này cùng bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Điều 128. Tội Vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Điều 360. Tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bình luận (0)