Sáng 26-8, TAND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông).
Bốn người bị đưa ra xét xử gồm các ông: Nguyễn Văn Trung (nguyên Chủ tịch UBND xã), Y Na Êban (nguyên Phó Trưởng Công an), Trần Văn Hiếu (nguyên Trưởng Công an) và Y Dunh Êban (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐND xã Cư Đrăm). Tuy nhiên, phiên tòa khai mạc lần đầu này bị hoãn do vắng nhiều nhân chứng và người liên quan.
Chủ tịch xã cho Phó chủ tịch huyện 80 lóng gỗ lậu
Theo cáo trạng, đầu năm 2016, ông Y Na Êban và 2 người khác phát hiện 3 người dùng máy cày độ chế chở 80 trụ gỗ lậu nên báo cho ông Trung. Sau khi đưa xe về trụ sở, ông Trung chỉ đạo đổ gỗ xuống, cho xe về mà không lập hồ sơ xử lý. Khoảng 1 tuần sau, ông Trung đưa cho ông Y Na Êban 2 triệu đồng và chỉ đạo thuê người chở 80 trụ gỗ đổ tại vườn em rể của ông Trung.
Do trước đó, ông Đinh Văn Long (khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông) nhờ mua giúp trụ trồng tiêu nên ông Trung gọi cho ông Long. Ông Long đã thuê người chở 80 trụ gỗ về trồng tiêu.
Ông Nguyễn Văn Trung tại buổi làm việc với báo chí sau khi bị tố cáo
Theo cáo trạng, ông Long không biết 80 trụ gỗ nói trên là từ đâu mà có. Hai lần ông Long gặp ông Trung để hỏi và trả tiền mua trụ tiêu nhưng ông Trung không lấy. Đến ngày 29-1, ông Long đã tự nguyện giao nộp 80 trụ gỗ, được định giá vào thời điểm xảy ra vụ việc là 10,4 triệu đồng.
Cũng đầu năm 2016, ông Y Na Êban và 1 cán bộ xã đi tuần tra thì phát hiện ông Dương Văn Hai vận chuyển trái phép 50 trụ gỗ. Cũng như trước, ông Trung chỉ đạo đổ gỗ xuống sân UBND xã rồi cho xe máy cày đi về mà không lập biên bản. Sau đó, ông Y Na Êban nói với ông Trung muốn sử dụng 50 trụ gỗ này nên ông Trung đồng ý "bán thanh lý" 4 triệu đồng. Theo kết luận định tài sản, 50 trụ gỗ nói trên là 6,5 triệu đồng.
Trị giá 33 triệu đồng, "thanh lý" cho lãnh đạo 1,5 triệu đồng
Vào cuối năm 2016, ông Y Na Êban và 1 cán bộ xã phát hiện vụ tập kết trái phép 7 lóng gỗ Ké nên báo cáo cho ông Trần Văn Hiếu (trưởng công an xã). Sau đó, ông Hiếu thuê phương tiện chở 7 lóng gỗ Ké về và không lập hồ sơ xử lý.
Trong một buổi hội ý sau cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy xã, ông Trung báo cáo nội dung Công an xã thu giữ được 4 lóng gỗ Ké (thực chất là 7 lóng) và đề xuất đưa 2 lóng đi tiện lục bình về trưng bày, 2 lóng còn lại trả tiền công và được thống nhất. Ngoài 2 lóng trả công không thu giữ được, hiện 3 lóng còn lại cũng đã thất lạc. 7 lóng gỗ này được định giá 8,1 triệu đồng.
Vụ thứ 4, tối 26-8-2018, ông Trung chỉ đạo Xã đội trưởng đưa lực lượng bắt giữ 1 ôtô loại 12 chỗ ngồi của ông Từ Đức Tám vận chuyển trái phép 3 tấm gỗ Pơ Mu. Ít ngày sau, ông Trung chỉ đạo cho bốc 3 tấm gỗ Pơ Mu xuống sân UBND xã Cư Drăm và cho ông Tám lấy xe về, không xử phạt vi phạm hành chính.
Ba tấm gỗ Pơ Mu trị giá 33 triệu đồng được "thanh lý" 1,5 triệu đồng. Ảnh người tố cáo cung cấp
Khoảng 1 tháng sau, ông Y Dunh Êban (lúc đó Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã) nói với ông Trung có nhu cầu sử dụng 3 tấm gỗ này. Tại cuộc hội ý sau cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy xã, ông Trung xin ý kiến "thanh lý" với số tiền 15 triệu đồng thì được đồng ý. Sau đó, ông Y Dunh Êban cho rằng gỗ bị nứt nên chỉ đưa cho Xã đội trưởng 1,5 triệu đồng hỗ trợ cho lực lượng đã có công đi bắt.
Theo lời khai, sau đó ông Y Dunh Êban đã bán 3 tấm gỗ này cho một người không rõ lai lịch 3 triệu đồng nên chưa thu giữ được. 3 tấm gỗ này được định giá 33 triệu đồng vào thời điểm đó.
Tổng cộng, các cá nhân gây thiệt hại 58 triệu đồng. Ngoài ra còn gây thiệt hại khác đến lợi ích của nhà nước như không tịch thu được phương tiện và tiền phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép.
Ngoài số vụ kể trên, còn một số vụ việc khác chưa xác định và làm việc được với những người có liên quan nên cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục đều tra.
Đề nghị kỷ luật thành viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã
Cung theo cáo trạng, các ông bà trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã Cư Đrăm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đề nghị xem xét xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền.
Đối với ông Đinh Văn Long, do không biết nguồn gốc của số trụ gỗ nên không có căn cứ để xử lý.
Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh, sau khi ông Trung và một số cán bộ xã Cư Đrăm bị tố cáo bắt gỗ lậu rồi về bán rẻ, biếu cho cán bộ, Công an huyện Krông Bông đã điều tra và quyết định không khởi tố vụ án do "điều tra xác định không có yếu tố vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác".
Tưởng chừng vụ việc đã "chìm xuồng" thì tháng 4-2020, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu hủy bỏ quyết định trên và yêu cầu khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Sau đó, 4 cán bộ, nguyên cán bộ trên mới bị khởi tố. Riêng ông Trung, tòa nhận được 1 lá đơn xin miễn trách nhiệm hình sự với hàng trăm chữ ký được cho là của cán bộ, nhân dân xã Cư Đrăm.
Bình luận (0)