Ngày 1-4, ông Trương Bá Nhàn (ngụ huyện Đồng Phú - Bình Phước, nhân vật trong bài viết Dấu vân tay oan nghiệt, đăng trên Báo Người Lao Động ngày 16-3-2010) cho biết vừa gửi đơn đến ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nhờ can thiệp để được giải quyết bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Văn bản trả lời của Cục Bồi thường Nhà nước và đơn của ông Trương Bá Nhàn gửi ông Nguyễn Bá Thanh
VKSND TPHCM có trách nhiệm bồi thường
Trước đó, Trung tâm Hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường (Cục Bồi thường Nhà nước - Bộ Tư pháp) có văn bản trả lời ông Nhàn, cho biết trường hợp của ông được bồi thường oan. Cụ thể, về thời hiệu yêu cầu bồi thường, theo đơn ông Nhàn trình bày, ngày 10-1-2002, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM ra quyết định khởi tố bị can; đến ngày 8-6-2006 có quyết định đình chỉ vì “đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can”.
Ngày 1-9-2006, ông đã nộp đơn đến VKSND TPHCM yêu cầu xin lỗi công khai, đăng báo cải chính và bồi thường thiệt hại nhưng chưa được VKSND TPHCM giải quyết. Như vậy, vụ việc của ông thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định tại điều 1 Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 năm 2003 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra.
Để được giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại, ông Nhàn cần cung cấp các chứng cứ chứng minh trong khoảng thời gian từ ngày 8-6-2006 đến 8-6-2008, ông đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường nhưng chưa được thụ lý để xem xét, giải quyết.
Về thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại, VKSND TPHCM là cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường. Do vậy, ông Nhàn cần gửi đơn và các giấy tờ liên quan như trên đến cơ quan này để được giải quyết theo quy định. Cục cũng đã có công văn gửi VKSND Tối cao để kiểm tra, xem xét nhằm có hướng chỉ đạo giải quyết vụ việc của ông Nhàn theo quy định pháp luật.
Sự im lặng khó hiểu
Đã hơn 1 tháng kể từ ngày nhận được văn bản của Cục Bồi thường Nhà nước, ông Nhàn vẫn không nhận được bất kỳ văn bản nào của VKSND TPHCM về thụ lý đơn hay mời lên làm việc để thương lượng mức bồi thường (dù Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định thủ tục, cách thức và thời hạn thực hiện rất cụ thể).
Không thể chờ đợi trong sự im lặng một cách khó hiểu của cơ quan có trách nhiệm bồi thường, ông Nhàn đã đến liên hệ trực tiếp tại VKSND TPHCM nhưng chỉ được trả lời “đang tiến hành kiểm tra, xác minh” mà không hẹn ngày giải quyết cụ thể.
“Đã hơn 11 năm kể từ thời điểm tôi bị vướng vào vòng lao lý, bị bắt, bị cáo buộc phạm một tội mà mình không thực hiện, gia đình tan nát, bạn bè xa lánh; gần 7 năm kể từ ngày có quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan có thẩm quyền, tôi đã đấu tranh và chờ đợi một ngày được minh oan, được nhận một lời xin lỗi chân thành, công khai và được khôi phục lại những quyền lợi mình đáng được hưởng nhưng gần như vô vọng.
Đã có những lúc tôi mệt mỏi đến mức muốn từ bỏ nhưng những thống khổ của kẻ từng bị gán tội giết người, cướp tài sản vẫn cứ mãi đeo bám, ám ảnh và thôi thúc tôi làm tất cả những gì có thể để đòi lại công bằng. Trả lời của Cục Bồi thường Nhà nước đã thắp thêm cho tôi niềm tin công lý sẽ được thực thi nhưng cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường vẫn có điều gì đó không rõ ràng, thiếu minh bạch khi thực hiện các quy định của pháp luật... Tôi phải còn chờ đợi đến bao giờ?” - ông Nhàn bức xúc nói.
Vụ án giết người, cướp tài sản
Như Báo Người Lao Động nhiều lần thông tin, khoảng 12 giờ ngày 12-12-2001, em N.T.N.P (SN 1988) đi học về phát hiện bà H.T.K. A nằm chết dưới nền nhà, đồ đạc trong phòng bị lục tung, hộc tủ bị kéo bung ra. Theo trình bày của chồng nạn nhân, tài sản bị mất khoảng 60-80 triệu đồng và 5-6 lượng vàng SJC. Khám nghiệm hiện trường, ngoài dấu vân tay để lại trong hộc tủ, công an không thu thập được một chứng cứ nào khác. Ngày 3-1-2002, ông Nhàn bị bắt. Tại CQĐT, ông Nhàn một mực kêu oan. Năm 2003, TAND TPHCM 3 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì chưa đủ chứng cứ. Ngày 8-6-2006, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM ra quyết định đình chỉ điều tra bị can, ông Nhàn được trả tự do. Kể từ đó, ông Nhàn đã gửi thư kêu oan và yêu cầu được bồi thường đến các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết. |
Bình luận (0)