Sáng 17-12, theo yêu cầu của VKSND TP HCM, ông Trương Bá Nhàn (SN 1962, nhân vật trong bài viết “Dấu vân tay oan nghiệt” mà Báo Người Lao Động nhiều lần thông tin) đã đến cơ quan này để thương lượng bồi thường vì bị truy tố oan tội giết người, cướp tài sản (tổng số tiền yêu cầu bồi thường gần 948 triệu đồng).
Theo biên bản làm việc, đại diện VKSND TP HCM cho biết mục đích của buổi làm việc là ghi nhận các yêu cầu của ông Nhàn, sau đó sẽ báo cáo lại Ban Chỉ đạo bồi thường oan sai nghiên cứu giải quyết.
Như đã thông tin, năm 2001, một vụ án mạng xảy ra tại phường 11, quận Tân Bình, TP HCM. Khám nghiệm hiện trường, công an thu giữ được dấu vân tay ở hộc tủ trùng khớp với vân tay của ông Nhàn (bà con bạn dì với chồng nạn nhân).
Ngày 3-1-2002, ông Nhàn bị khởi tố, bắt giam, CQĐT thu giữ số tiền, vàng trong nhà ông khớp với lời khai của chồng nạn nhân về số tiền, vàng đã mất.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra và bị truy tố, ông Nhàn luôn kêu oan. Ông thừa nhận có đến nhà nạn nhân chơi, được nhờ kê lại tủ trong phòng nên lưu lại dấu vân tay. Ngoài ra, ông từng tâm sự với chồng nạn nhân về số tiền và vàng mà mẹ vợ ông vừa bán đất nhờ vợ chồng ông cất giữ. Lời khai của mẹ vợ ông Nhàn và người mua đất cũng khớp với ông Nhàn về số tiền, vàng này.
Sau hơn 3 năm 8 tháng bị tạm giam với 3 lần nhận giấy triệu tập của tòa nhưng không thể đưa ra xét xử, năm 2006, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM trả tự do và ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nhàn vì “hết thời hạn điều tra mà chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội”.
Ngay sau đó, ông Nhàn nhiều lần gửi đơn, thư khiếu nại đến các cơ quan tố tụng địa phương và trung ương kêu oan, đòi được bồi thường, xin lỗi công khai... Mãi đến ngày 21-2-2013, Cục Bồi thường nhà nước mới trả lời trường hợp ông được bồi thường theo Nghị quyết 388 (bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra) và cơ quan có trách nhiệm bồi thường là VKSND TP HCM. Cục cũng có công văn gửi VKSND Tối cao yêu cầu chỉ đạo VKSND TP giải quyết. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhiều lần ông Nhàn đến liên hệ VKSND TP nhưng chỉ nhận được lời hứa “sẽ xem xét”.
Gần 13 năm tính từ khi bị tạm giam, cũng ngần ấy thời gian ông Nhàn sống trong tận cùng đau khổ, tủi nhục vì bị oan sai. Vì lẽ gì khi đã xác định cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường nhưng việc bồi thường và xin lỗi công khai lại khó khăn, kéo dài đến vậy?
Trao đổi với chúng tôi sau buổi làm việc với VKSND TP HCM, ông Nhàn buồn bã cho biết: “Tôi còn phải chờ đến bao giờ để được khôi phục lại quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm nhiều năm qua? Từ thời điểm bị vướng vào vòng lao lý, bị cáo buộc phạm một tội mà mình không thực hiện, gia đình tôi tan nát, bạn bè xa lánh. Tôi đã đấu tranh và chờ đợi ngày được minh oan, được nhận một lời xin lỗi chân thành, công khai và được khôi phục lại những quyền lợi mình đáng được hưởng nhưng gần như vô vọng.
Đã có những lúc tôi mệt mỏi đến mức muốn từ bỏ nhưng những thống khổ của một kẻ mang tội danh “Giết người”, “Cướp tài sản” vẫn cứ mãi đeo bám, ám ảnh và thôi thúc tôi làm tất cả những gì có thể để đòi lại những thứ vốn thuộc về mình”.
Bình luận (0)