Ngày 17-12, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã kết thúc điều tra bổ sung vụ án Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, tức hoa hậu Phương Nga) và Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1988, bạn cô). Hồ sơ vụ án thể hiện ông Cao Toàn Mỹ (SN 1977; ngụ quận 7, TP HCM) và Phương Nga có mối quan hệ thân thiết. Phương Nga nói có thể mua nhà giá rẻ hơn so với thị trường nên ông Mỹ đã nhiều lần chuyển tiền cho cô, tổng cộng 16,5 tỉ đồng.
"Hợp đồng tình dục" hình thành từ... lời khai
Sau khi điều tra bổ sung, Công an TP HCM nhận thấy về mục đích đưa tiền, Phương Nga vẫn khẳng định là ông Mỹ cho cô để hỗ trợ trong việc mua nhà và mở spa, bảo đảm cuộc sống cho Phương Nga với điều kiện cô chấp nhận làm "vợ bé" của ông. Còn văn bản "hợp đồng tình dục" là không hề có và do Thùy Dung suy nghĩ, khai báo từ giai đoạn xét xử sau này. Ông Mỹ vẫn khẳng định tiền đưa Nga là để mua bán nhà nhưng không khai rõ được về lý do chưa giao nộp tài liệu mua bán nhà mà lẽ ra ông phải nộp cho CQĐT ngay từ khi có đơn tố giác.
Chứng cứ thu thập được sau khi điều tra bổ sung không đủ cơ sở cáo buộc Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã truy tìm 2 iPad mà Phương Nga từng sử dụng và giám định phục hồi dữ liệu các thiết bị điện tử để xác định thời điểm tạo lập tài liệu mua bán nhà giữa ông Mỹ và cô. Tuy nhiên, đến nay, CQĐT vẫn không thu thập được tài liệu, chứng cứ để chứng minh thời điểm các tài liệu gian dối mua bán nhà được tạo lập trước khi ông Mỹ chuyển tiền cho Phương Nga lần cuối vào ngày 4-11-2013, vì cả bị can lẫn bị hại đều thừa nhận có sử dụng nhưng không hợp tác cung cấp địa chỉ, mã đăng nhập hộp thư điện tử đã sử dụng.
Về quan hệ giữa ông Cao Toàn Mỹ và Phương Nga là quan hệ tình cảm thân thiết, Công an TP HCM không thể chứng minh có hay không quan hệ tình dục.
Không lừa đảo, chỉ làm giả
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM nhận thấy tài liệu, chứng cứ thu thập được sau khi điều tra bổ sung không đủ cơ sở cáo buộc Phương Nga và Thùy Dung phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, kết quả điều tra bổ sung chứng minh được Phương Nga đã có hành vi sử dụng tài liệu "Di chúc" được đóng bằng con dấu giả của doanh nghiệp tư nhân khách sạn Phi Phi Vũ Trâm Anh để nộp cho CQĐT.
Nội dung bản di chúc là bà Lương Thị Kim Phi - chủ căn nhà số 7 Nguyễn Trãi, quận 1 - để lại di sản thừa kế cho ông Nguyễn Văn Yên. Sau đó, ông Yên mua bán căn nhà với Phương Nga, Thùy Dung để đối phó với công an. Do đó, CQĐT chỉ xác định thời điểm tạo lập văn bản thỏa thuận mua bán căn nhà số 7 Nguyễn Trãi là có sau thời điểm ông Mỹ chuyển tiền lần cuối vào ngày 4-11-2013. Hơn nữa, Phương Nga và Thùy Dung thừa nhận có nhận 16,5 tỉ đồng do ông Mỹ chuyển; cho biết là người tạo dựng các giấy tờ giả với nội dung chuyển nhượng di sản thừa kế (nhưng sau khi đã nhận tiền và bị ông Mỹ tố giác), tạo ra các tài liệu đã trả lại 16,5 tỉ đồng cho ông Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, Phương Nga và Thùy Dung đều thừa nhận chưa trả tiền cho ông Mỹ nên chưa thể quy kết dấu hiệu gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Như vậy, hành vi của các bị can có dấu hiệu của điều 267 Bộ Luật Hình sự năm 1999 về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" nhưng có thể miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Luật Hình sự năm 2015.
Về tố tụng, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã quyết định hủy bỏ quyết định xử lý vật chứng và quyết định thu hồi 2,5 tỉ đồng (trước đây thu giữ của Thùy Dung) từ ông Mỹ; bác khiếu nại của ông Mỹ về việc thu hồi này để giải quyết theo tố tụng dân sự về tranh chấp vật chứng.
Quản giáo thông cung
Kết luận của Công an TP HCM cũng nêu rõ đủ cơ sở xác định N.H.N (cán bộ quản giáo Trại tạm giam Chí Hòa) có hành vi nhận thư viết hằn lên bao bì ni-lông của Lữ Minh Nghĩa (bạn trai Thùy Dung) chuyển vào buồng giam cho cô, rồi nhận thư của Dung chuyển ngược cho Nghĩa.
Tổng cộng, Nghĩa 4 lần gửi thư vào và Dung 4 lần gửi thư ra với 10 lá thư ni-lông. Trong đó, CQĐT thu giữ 5 thư do bà Nguyễn Mai Phương giao nộp. Kết quả giám định chữ viết trên 10 thư ni-lông đúng là chữ viết của Dung và nội dung phù hợp với lời khai của Nghĩa. Nội dung chủ yếu là Nghĩa thăm hỏi, dặn dò Dung giữ nguyên lời khai nhận tội trước khi bị bắt; Nghĩa hỏi Dung về số tiền 16,5 tỉ đồng đang ở đâu, động viên cô tác động gia đình khắc phục hậu quả.
Công an TP HCM khẳng định hành vi chuyển thư ra - vào Trại tạm giam Chí Hòa là tổ chức thông cung. Tuy nhiên, việc thông cung này đối chiếu với tài liệu chứng cứ trước khi Phương Nga - Thùy Dung bị bắt không làm thay đổi bản chất tài liệu, chứng cứ của vụ án tại thời điểm trao đổi thư qua lại. Ngày 12-4, Công an TP HCM đã ra quyết định thi hành kỷ luật giáng hai cấp bậc hàm, từ đại úy xuống trung úy, đối với N.H.N.
Công an TP HCM cũng đã xác minh đơn của bà P.T.X, cán bộ Bộ Công an, tố cáo bà Nguyễn Mai Phương có hành vi vu khống bà X. nhận 50 triệu đồng của bà Hồ Mai Phương (mẹ Phương Nga) để đưa cán bộ quản giáo thông cung. Tuy nhiên, khi Công an TP vào cuộc thì bà X. đã rút đơn tố cáo. Vì thế, CQĐT không khởi tố vụ án hình sự theo đơn tố giác của bà X.
Hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú
Trao đổi với phóng viên, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung. Đồng thời, CQĐT trả lại cho Nga và Dung một số vật dụng cùng số tiền gần 37 triệu đồng.
Bình luận (0)