Vụ án đặc biệt nghiêm trọng này liên quan đến những nhân chứng, chứng cứ ở Nhật Bản nhưng đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa cử điều tra viên sang nước bạn. Tuy nhiên, giải mã hơn 3.000 trang tài liệu vụ án PCI do phía Nhật cung cấp, công an đã “vén” màn bức tranh toàn cảnh vụ đưa-nhận hối lộ có yếu tố nước ngoài này.
Phía Nhật chỉ đủ chứng cứ xử 0,8 triệu USD
Chín năm trước, Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) tìm kiếm cơ hội làm ăn ở các dự án có vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Khi đó, ông Huỳnh Ngọc Sĩ là giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.
Khi biết PCI muốn nhận hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, ông Sĩ đã gợi ý là sẽ giúp đỡ… Về việc này, Chủ tịch PCI Masayoshi Taga khai rằng ông Sĩ đòi hoa hồng bằng 15% giá trị hợp đồng.
Theo hồ sơ phía Nhật cung cấp, sau khi “cò cưa”, cuối cùng PCI chấp nhận chi một khoản tiền để được bước vào dự án của PMU Đông Tây. Một dự án lớn như vậy có nhiều gói thầu tư vấn khác nhau, vì thế đôi bên thống nhất đưa tiền làm nhiều lần.
Lời khai của những người Nhật liên quan cho thấy cho đến năm 2006, họ đã bảy lần đưa hối lộ cho ông Sĩ. Có lần được thực hiện trong quán karaoke ồn ào, khó để lại dấu vết…
Đối chiếu vào hồ sơ các hợp đồng dịch vụ tư vấn mà PCI nhận được thì cứ sau mỗi lần đưa hối lộ, các thủ tục để PCI được ký hợp đồng lại tiến lên một bước. Tính ra, tổng số tiền mà các quan chức PCI phải chi lên tới 2,4 triệu USD quy đổi và từ cuối năm 2001, PCI bắt đầu được nhận thầu tư vấn.
Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ được dẫn giải ra tòa xét xử trong phiên sơ thẩm tháng 9-2009 tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD
Ông Sĩ nhận hối lộ 260.000 USD?
Tuy nhiên, cơ quan tố tụng Nhật Bản không đủ chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với các bị can PCI toàn bộ số tiền hối lộ này. Tòa án Nhật chỉ xử được bốn quan chức PCI về hai lần hối lộ thực hiện vào các năm 2003 và 2006 với tổng giá trị quy đổi 820.000 USD. Đây là những lần đưa-nhận hối lộ mà có người thứ ba chứng kiến và có các chứng cứ phù hợp.
Qua nghiên cứu hồ sơ do phía Nhật Bản cung cấp, công an nhận thấy nghi vấn về hai lần đưa-nhận hối lộ này là có cơ sở để điều tra với ông Sĩ.
Trong đó, đáng chú ý là lần đưa hối lộ giữa năm 2003 có nhiều chứng cứ chắc chắn. Lần đó, việc đưa-nhận hối lộ ngoài ông Sĩ còn có hai người Nhật làm chứng là Takasu Kunio (giám đốc một công ty chân rết của PCI) và Sakano Tsuneo, Trưởng đại diện PCI tại Hà Nội.
Đáng chú ý, số tiền mà các nhân chứng khai đã đưa hối lộ lần này quy đổi tương ứng 260.000 USD, hoàn toàn phù hợp với số tiền VN đồng mà người của PCI vừa rút tại ngân hàng trước đó.
Chưa kể, việc đưa hối lộ này cũng trùng khớp với các lời khai về kế hoạch chi “hoa hồng” của lãnh đạo PCI…
Chuyển hóa tài liệu thành chứng cứ
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia về hợp tác tư pháp hình sự - ông Hoa Hữu Long, Vụ phó Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp, khẳng định về mặt tố tụng, tài liệu, chứng cứ do cơ quan tố tụng Nhật cung cấp không đương nhiên có giá trị buộc hay gỡ tội với bị can là người Việt Nam.
Để phá án, cơ quan tố tụng Việt Nam sẽ phải “chuyển hóa chứng cứ” theo pháp luật trong nước. Cơ quan điều tra có thể ủy thác điều tra cho cơ quan tố tụng Nhật theo nguyên tắc có đi có lại (do hai nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp) để điều tra lại những vấn đề cần thiết liên quan đến dấu hiệu phạm tội của ông Sĩ. Khi đó, có thể vẫn là những tài liệu, lời khai mà phía tòa án Nhật đã sử dụng nhưng lại được coi là chứng cứ theo pháp luật Việt Nam. Cũng là một hình thức ủy thác điều tra, cơ quan tố tụng hai nước có thể lập cầu truyền hình nối Việt Nam - Nhật Bản để xét hỏi, đối chất những người liên quan trong vụ án…
Theo ông Long, khi đã khởi tố ông Sĩ về tội nhận hối lộ không đương nhiên khởi tố hành vi đưa hối lộ của những quan chức PCI quốc tịch Nhật Bản. Bởi lẽ thường các nước không dẫn độ công dân mình cho nước khác xử. Và cạnh đó, tòa án Nhật Bản đã xử công dân nước họ về hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng đưa hối lộ nên không đặt vấn đề xử lại về tội đưa hối lộ nữa.
Bình luận (0)