Con trai lớn của chị Lê Thị Thanh Huyền mang theo di ảnh của mẹ
10 giờ 45: Sau khi hội ý, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án ném xác phi tang, điều tra lại do liên quan một số tình tiết vụ án mà HĐXX không thể giải thích được.
Trước đó, vào lúc 9 giờ 36, HĐXX đã tạm dừng phiên tòa để tiến hành hội ý về một số tình tiết của vụ án.
Phẫu thuật cho nạn nhân Huyền 2 giờ hay 4 giờ?
Về thời gian tiến hành phẫu thuật cho nạn nhân Huyền, bị cáo Tường khẳng định khoảng 4 tiếng, từ 12 giờ đến gần 16 giờ. Trong lúc làm thì bệnh nhân vẫn tỉnh táo, vẫn nói được. Sau khi vào phòng hậu phẫu khoảng 25-30 phút gì đó thì có cơn co giật. "Tay chân co giật, mắt nhắm, sùi bọt mép. Tôi dự đoán có thể là cơn động kinh nên tiêm 1 liều thuốc an thần thì hết biểu hiện. Theo dõi khoảng 20 phút thấy bình thường nên đã ra ngoài, đi chùa Quán Sứ" - bị cáo Tường nói.
Tiếp theo, Toà tiếp tục hỏi nhân chứng. Trả lời HĐXX, y tá Nguyễn Ngọc Thư khai lại quá trình phẫu thuật cho chị Huyền: "Toàn bộ quá trình gây tê và thực hiện phẫu thuật cho chị Huyền chỉ được thực hiện trong vòng 2 giờ đồng hồ".
Chủ toạ hỏi: "Vậy sao bị cáo Tường lại khai là 4 tiếng?". Y tá Nguyễn Ngọc Thư trả lời: "Đúng là bình quân mỗi ca phẫu thuật thì diễn ra trong khoảng 4 giờ đồng hồ, nhưng đối với trường hợp của chị Huyền thì sau khi tiêm thuốc vào chị Huyền có biểu hiện co giật tím tái nên tạm dừng lại.
Sau lời khai của Thư, Thẩm phán Lê Thị Hợp đã công bố HĐXX tạm nghỉ 15 phút để hội ý.
Không được phép, BS Tường vẫn phẫu thuật thẩm mỹ
9 giờ 25: Kết thúc phần đọc cáo trạng của đại diện VKSND TP Hà Nội, Chủ toạ bắt đầu phần thẩm vấn đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Tường. Được hỏi về các thủ tục để mở thẩm mỹ viện, bị cáo Tường nói ấp úng, lí nhí cho biết mới xin được giấy phép kinh doanh, chưa xin được giấy phép của Sở Y Tế vì còn nhiều điều kiện khác còn xem xét.
Toà hỏi: “Thế bị cáo đã đầy đủ điều kiện chưa?”. Bị cáo Tường ngập ngừng: “Đã đầy đủ rồi song chưa được cấp phép”. Bị cáo Tường cho biết thêm trước khi xin được giấy phép hoạt động của Sở Y Tế, cơ sở này đã hoạt động được 3 tháng.
Trả lời câu hỏi của Toà, bị cáo Tường nói theo quy định, thẩm mỹ viện không được phép phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng lý do thì bị cáo nói: “Không biết rõ lắm. Có thể không gây mê được mà bệnh viện làm tốt hơn. Bị cáo chưa được đọc”.
Chủ toạ tiếp tục thẩm vấn: “Bị cáo biết sao vẫn tiến hành?”. Bị cáo Tường lí nhí: “Thực ra nó chỉ là 1 thủ thuật thôi. Khi khách hàng đến, qua khám xét, thử phản ứng, bị cáo thấy có thể gây mê được nên đã tiến hành”.
Hút mỡ theo phương án được áp dụng tại Hàn Quốc
Toà tập trung hỏi về kỹ thuật thẩm mỹ mà bị cáo Tường đã tiến hành cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.
Bị cáo Tường nói hút mỡ vùng bụng nạn nhân vào khoảng 11 xi lanh, loại xi lanh 50 ml. Quá trình hút mỡ kéo dài từ 1-2 tiếng. Xi lanh hút trước, mỡ sẽ lắng xuống, dịch ở trên. Bị cáo bỏ phần dịch đi. “Bị cáo có học và cập nhật liên tục các kiến thức của các chuyên gia Hàn Quốc thì chỉ cần chờ cho mỡ lắng xuống là có thể dùng được. Đây là phương pháp mới, không cần dùng ly tâm” - bị cáo Tường nói.
Bị cáo khai được học về phương pháp này trong TP HCM, không biết có được Bộ Y tế cho phép không, chưa được sự cho phép mà vẫn làm.
Về phương pháp gây tê, khi Toà nêu câu hỏi theo Công văn của Sở Y tế Hà Nội, các thành phần và tỷ lệ pha không hợp lý, Bị cáo Tường khai pha thuốc theo những gì được học.
Khi Toà truy: Bị cáo áp dụng trên cơ thể khách hàng nhưng chưa được phép của ngành y tế đúng không? Thì bị cáo Tường trả lời: Cái này đã được áp dụng tại Hàn Quốc.
Nguyễn Mạnh Tường phi tang theo gợi ý của bảo vệ Khánh
Nói về lý do ném các phi tang nạn nhân Huyền xuống sông Hồng, bị cáo Tường khai: “Khi đang chở xác chị Huyền đến cổng bệnh viện Bạch Mai, thấy đông người qua lại, nên đã dừng lại để chờ đợi. Lúc này, Đào Quang Khánh - nhân viên bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường - lên tiếng: "Hay là phi tang? Tôi mới hỏi lại "phi tang là như nào”, thì Khánh bảo đem vứt xác" - Tường khai.
Lý giải việc phải nhờ "gợi ý" của Khánh, bị cáo Tường nại: "Lúc đó bị cáo quá hoảng loạn nên không nghĩ được gì".
"Một người lớn hơn, kinh nghiệm hơn, lại đi nghe theo lời khuyên của một trẻ vị thành niên sao?" - vị kiểm sát viên lớn tiếng.
“Theo bị cáo, nguyên nhân chết của chị Huyền là gì?” - kiểm sát viên đặt câu hỏi với bị cáo Tường. “Dạ, do chị Huyền nôn khi dịch trào ngược” - bị cáo Tường đáp.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường cúi gằm mặt tại tòa
Trước đó, sáng nay 14-4, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội gây chết người trong khi phẫu thuật thẩm mỹ rồi ném xác phi tang xuống sông Hồng.
Từ 7 giờ sáng, mấy chục người nhà nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã có mặt trước cổng TAND TP Hà Nội để làm thủ tục tham dự phiên tòa.
Hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường - bác sĩ chủ cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường, người gây ra cái chết của nạn nhận Lê Thị Thanh Huyền rồi ném xác phi tang - và Đào Quang Khánh - bảo vệ cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường, đồng phạm ném xác phi tang với bác sĩ Tường- cùng ra toà trong trang phục áo sọc đen tối màu.
Trong suốt quá trình bước vào trước vành móng ngựa đến khi HĐXX kiểm tra CMND, bị cáo Tường luôn cúi gằm mặt, không ngẩng lên, nét mặt có vẻ rất căng thẳng còn Khánh thì trông có vẻ trẻ trung, trắng trẻo hơn nhiều so với thời điểm bị bắt.
8 giờ 15, anh Nguyễn Hữu Huy - chồng chị Huyền - có những trao đổi với luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình mình.
Trao đổi riêng với Báo Người Lao Động trước giờ phiên tòa bắt đầu, anh Huy nói: "Gia đình tôi trông đợi phán quyết chính xác của phiên tòa, xử đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm".
Về mong mỏi tại phiên tòa, anh Huy khẳng định luật sư sẽ có những tranh luận liên quan đến tội danh "đúng với những gì thật sự đã diễn ra".
Sở dĩ có việc này là vì gia đình anh Huy cho rằng, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, chủ cơ sở Thẩm mỹ viện Cát Tường, phải bị truy tố tội Giết người.
Anh Nguyễn Hữu Huy - chồng nạn nhân (bìa phải) - trao đổi với luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình mình
Đến 8 giờ 25, công tác làm thủ tục chuẩn bị khai mạc phiên tòa vẫn đang diễn ra. Đáng chú ý, đây là một phiên tòa công khai song các phóng viên, nhà báo bị kiểm soát gắt gao, không được phép tham dự, tác nghiệp dù xuất trình đầy đủ giấy giới thiệu, thẻ nhà báo.
Những phóng viên muốn dự tòa phải đăng ký trước mấy ngày, được tòa duyệt danh sách rồi cấp "thẻ phóng viên".
Từ 7 giờ sáng, người nhà nạn nhân đã có mặt trước cổng TAND TP Hà Nội để làm thủ tục tham dự phiên tòa
Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (41 tuổi, Giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường) bị truy tố tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc các dịch vụ y tế khác” và tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Mức án tối đa dành cho cả 2 tội danh này là 10 năm tù.
Bị cáo Đào Quang Khánh (18 tuổi, bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường) bị xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” và tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” cùng với “sếp” của mình. Mức án tối đa mà bị cáo Khánh phải chịu là 8 năm tù.
Dự kiến, chủ tọa phiên tòa sẽ là thẩm phán Lê Thị Hợp. Phiên tòa có tất cả 5 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho bị hại.
Luật sư Chu Thị Trang Vân (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tường.
Hai luật sư Nguyễn Anh Thơm và Tạ Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Đào Quang Khánh.
Gia đình bị hại Lê Thị Thanh Huyền mời 2 luật sư Phạm Hương Giang và Vũ Gia Trường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm đối với vụ án này chính là việc làm mang tính vô nhân đạo của bị can Nguyễn Mạnh Tường. Việc ném xác phi tang đã bị dư luận lên án mạnh mẽ. Nhất là sau gần 7 tháng gia đình tìm kiếm song vẫn vô vọng, chưa tìm thấy thi thể nạn nhân.
Theo cáo trạng truy tố, ngày 19-10-2013, chị Lê Thị Thanh Huyền (40 tuổi, trú tại ngõ 36 phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Thẩm mỹ viện Cát Tường (nằm trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai) để tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực. Tại đây, chị Lê Thị Thanh Huyền được bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường làm phẫu thuật. Sau đó, gần 18 giờ cùng ngày thì chị Huyền lâm vào tình trạng nguy kịch và tử vong.
Khoảng 21 giờ cùng ngày, Tường, Khánh, Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) ngồi tại tầng 2 của Thẩm mỹ viện Cát Tường bàn nhau thống nhất đưa xác chị Huyền đến Bệnh viện Bưu Điện cơ sở 1 (49 Trần Điền, Hoàng Mai, Hà Nội) rồi gọi người nhà chị Huyền đến nhận xác.
Khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, Tường đi xe ôtô BKS 29A - 488.81 đến Thẩm mỹ viện Cát Tường chở thi thể chị Huyền đi. Tuy nhiên, khi đến cổng Bệnh viện Bưu điện, một phần vì thấy quá đông người qua lại, một phần vì thấy xác chị Huyền đã bị cứng nên Tường không dám đưa xác vào trong bệnh viện.
Thấy vậy, Khánh nói với Tường rằng: “Không đưa xác chị Huyền vào bệnh viện nữa mà ném xác xuống sông”. Nghe nhân viên bảo vệ nói có lý nên Tường đã đồng ý và lái xe ô tô chở xác chị Huyền đi ra quốc lộ 5 lên cầu Thanh Trì.
Cùng có mặt trên xe, Nguyễn Thị Hằng can ngăn việc chồng và nhân viên của mình đang làm nhưng không có kết quả. Đến vị trí có nước khoảng 150 m gần cột đèn số 44 thì Tường cho xe dừng lại. Thấy đường vắng, không có người và xe qua lại nên Tường và Khánh đã khiêng xác chị Huyền ra khỏi xe ô tô, đi qua dải phân cách giữa ô tô và xe máy, bê xác chị Huyền qua lan can cầu rồi thả xuống sông Hồng.
Bình luận (0)