xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ người giữ trẻ hành hạ trẻ em: Phẫn nộ nhưng xử lý khó?

Theo Pháp luật TPHCM Online

Chiều qua (17-1), bé Mỹ Duyên, một trong những trẻ bị đánh nhiều nhất đã được mẹ đưa đến khám ở Khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

Theo Phó Trưởng khoa Lê Minh Công, hiện chưa phát hiện bé Duyên bị ảnh hưởng gì nhiều về tâm lý. Ngày mai, gia đình bé Phan Văn Đạt cũng dự định đưa bé đi khám để làm rõ mức độ tổn thương của bé.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã có công văn yêu cầu Công an TP phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP nhanh chóng kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm hành vi bạo hành trẻ em của bà Quảng Thị Kim Hoa. Chủ tịch TP cũng yêu cầu Phòng GD&ĐT phối hợp với UBND các phường, xã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các nhóm, cơ sở giữ trẻ dân lập và đình chỉ hoạt động nếu hoạt động không phép.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở, Phó Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng Phạm Mạnh Hoàng cho biết trước đây phường không hề nhận được phản ánh nào về điểm giữ trẻ của bà Hoa. Tháng 11-2007, phường và Phòng GD&ĐT TP phối hợp đến kiểm tra cũng không phát hiện ra việc bà Hoa đánh trẻ (bà này nói chỉ hù dọa trẻ sợ mà ăn). Theo ông Hoàng, hiện nay việc cấp phép cho nhóm trẻ tự phát như vậy là do Phòng GD&ĐT, còn phường thì chưa được hướng dẫn.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hải, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai, khẳng định theo Quyết định 31/2005 của Bộ GD&ĐT, thẩm quyền cấp phép cho các lớp mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ độc lập do chủ tịch UBND cấp xã quyết định trên cơ sở thỏa thuận với Phòng GD&ĐT. Sở đã triển khai các quy định này trên toàn tỉnh nên để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm chính thuộc về UBND phường.

Xử lý hình sự khó?

Đến nay, bà Hoa vẫn đang bị tạm giữ và chưa bị khởi tố. Điều mà dư luận rất quan tâm là bà Hoa sẽ bị xử lý như thế nào: Cơ quan chức năng có đủ căn cứ để khởi tố bà Hoa hay không, nếu có thì về tội gì? Giả sử không đủ căn cứ để khởi tố thì bà Hoa có bị xử phạt hành chính hay không, mức phạt ra sao? Có phải bồi thường không?

Trao đổi với phóng viên, cả thẩm phán Phạm Thao, Chánh án TAND quận 2, TP.HCM, lẫn luật sư Hoàng Kim Vinh, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, đều khẳng định có thể khởi tố bà Hoa về tội hành hạ người khác theo Điều 110 BLHS với tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội đối với trẻ em. Theo hai ông, việc đánh đập, chửi rủa các bé để ép ăn đã không hợp lý, lại diễn ra nhiều lần, có tính thô bạo, làm tổn hại đến tinh thần trẻ, đã thỏa mãn dấu hiệu buộc tội hành hạ là tính liên tục (trong luật không ghi cụ thể bao nhiêu lần hành hạ nhưng có thể hiểu vài lần trở lên là liên tục).

Tuy nhiên, thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM lại cho rằng việc bạo hành trẻ của bà Hoa rất đáng bị lên án về mặt đạo đức nhưng muốn khởi tố thì phải dựa vào căn cứ pháp luật vững chắc.

Về mặt khách quan, việc bạo hành của bà Hoa chỉ có thể bị xử lý về tội hành hạ người khác vì có tính hành hạ nhiều hơn là gây thương tích và thực tế không gây ra thương tích cho các bé. Theo luật, dấu hiệu đặc trưng của tội này là “đối xử tàn ác với người lệ thuộc”. Ở đây, yếu tố “lệ thuộc” đã rõ vì các bé có mối quan hệ lệ thuộc vào người giữ trẻ. Tuy nhiên, yếu tố “đối xử tàn ác” thì phải đánh giá kỹ. Công an phải chứng minh rằng việc đánh đập, quát tháo, chửi rủa kéo dài, lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng tháng, hàng năm và làm cho các bé tổn thương về thể xác cũng như tinh thần. Công an phải kiểm tra xem có bé nào bị đánh đập mà bị bệnh đến không ăn, không ngủ hay gặp sang chấn tâm lý nặng hay chưa... Chỉ khi nào công an chứng minh được cả hai yếu tố trên thì mới tính đến chuyện xử lý hình sự, còn không chỉ là vi phạm đạo đức và vi phạm hành chính mà thôi.

Chỉ xử hành chính?

Một kiểm sát viên VKSND tối cao và luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng nhận định không dễ để xử lý hình sự bà Hoa về tội hành hạ người khác bởi rất khó chứng minh được yếu tố “đối xử tàn ác”. Họ phân tích qua thông tin báo chí, vụ việc được phanh phui nhờ phóng viên đài truyền hình quay được cách đây không lâu. Băng hình này cho thấy bà Hoa có đánh, chửi rủa trẻ trong những lúc đó nhưng chưa đủ để chứng minh việc này diễn ra có hệ thống và gây ảnh hưởng nặng nề đến các bé, trong khi đây là dấu hiệu bắt buộc để định tội này theo khoa học pháp lý hình sự.

Như vậy, nếu các cơ quan chức năng kết luận không đủ yếu tố để xử lý hình sự bà Hoa thì sao?

Ông Huỳnh Cao Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số-Gia đình và Trẻ em tỉnh Đồng Nai, cho biết theo quy định, việc giữ trẻ không phép của bà Hoa bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Ngoài ra, việc đánh đập trẻ bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến năm triệu đồng (Điều 17 Nghị định 114/2006 của Chính phủ) và việc xử phạt sẽ thuộc thẩm quyền của UBND TP Biên Hòa.

Cạnh đó, theo thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM, gia đình các bé có thể khởi kiện dân sự đòi bà Hoa bồi thường thiệt hại về mặt vật chất và tinh thần. Những thông tin trên báo chí hiện nay sẽ là tư liệu hữu hiệu để giúp gia đình các bé trong việc đòi bồi thường thiệt hại.

Cũng xin thông tin thêm, theo tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy thì trong vụ này, các bé có thể bị ảnh hưởng tâm lý về sau dù thương tích không đáng kể. Các bé hay bị người lớn đánh, về nhà cha mẹ không biết, không vỗ về chia sẻ nên bị thiếu cảm giác an toàn và hình thành dần cảm giác chịu đựng. Trẻ con lớn lên giống như một camera quay những gì xảy ra, sau này có dịp sẽ tự phát trở lại mà không biết. Bé tiếp xúc với người lớn nhưng sẽ hình dung lại những điều đã trải qua nên có thể sau này sẽ sợ đi học, sợ cô giáo, sợ những người có vóc dáng tương tự như bà giữ trẻ...

Bây giờ cha mẹ các bé phải dành thời gian cho bé nhiều hơn để bé tìm lại cảm giác có người lớn thân cận bên cạnh, sau đó mới cho tiếp xúc với ai hiền hậu để xóa đi bớt hình ảnh của một người quá khắt khe. Tuy nhiên, phải chú ý là thân thiện nhưng không nên tạo cho bé cảm giác bi lụy, làm bé cảm thấy có gì bất ổn và đừng kể lại chuyện bé bị đánh với người khác khi bé có mặt ở đó...

 

Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình:

Tôi phẫn nộ!

Tất cả những người bình thường xem truyền hình hôm đó đều phẫn nộ trước hành vi của bà giữ trẻ hành hạ các cháu nhỏ. Đối với tôi (Chủ tịch danh dự của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam) thì phẫn uất càng lớn hơn, càng thương các cháu nhiều hơn. Tôi sợ những hành vi đánh đập đó sẽ ảnh hưởng đến tâm thần, đến sự phát triển bình thường của các cháu.

Qua vụ cháu Bình ở Hà Nội và một số vụ ở TP.HCM, Đồng Nai, các ngành liên quan cần rút kinh nghiệm, kiểm điểm rõ ràng hơn, xem quản lý xã hội yếu kém ở chỗ nào. Các trường hợp này phải được xử lý nghiêm minh để đánh động, cảnh báo dư luận.

(Theo VnExpress)

Lại một vụ bảo mẫu đánh trẻ

Trong khi dư luận đang xôn xao, bàng hoàng về việc bà Hoa hành hạ trẻ nhỏ ở Đồng Nai, cộng tác viên Pháp luật TP.HCM phát hiện ngày 6-1, tại điểm giữ trẻ tư nhân của cô Phượng trên đường Ngô Gia Tự, phường An Hòa, TP Rạch Giá (Kiên Giang), khi bé Huỳnh Nhật Anh lười ăn cơm, cô Phượng và một bảo mẫu tên Hồng đã hù dọa, dùng tay đánh sưng hai má cháu. Chiều hôm đó bé Anh có biểu hiện sợ sệt, má sưng tấy nên gia đình phải đưa tới bệnh viện điều trị. Ngày 16-1, UBND phường An Hòa đã yêu cầu điểm giữ trẻ tư nhân này phải đóng cửa vì hoạt động không giấy phép, hành nghề không có chuyên môn.

HUÊ DUNG

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo