Ngày 7-12, sau khi đại diện VKSND TP HCM thực hành quyền công tố đề nghị mức án với Trần Phương Bình (SN 1959; nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á-DAB), Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm", SN 1975; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) và 24 đồng phạm; luật sư đã bào chữa cho ông Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ.
Tại toà, ông Trần Phương Bình đồng ý phần bào chữa của luật sư và khẳng định cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội, không oan sai. Riêng ông Phan Văn Anh Vũ tiếp tục kêu oan và cho rằng số tiền 200 tỉ đồng là dân sự vì nghĩ rằng vay của cá nhân ông Trần Phương Bình.
Tồn tại hợp đồng dân sự
Bào chữa cho Phan Văn Anh Vũ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) nhìn nhận ngay từ khi được ông Bình chào mời mua 60 triệu cổ phần (CP) của DAB giá 600 tỉ đồng, ông Vũ đã có trao đổi với ông Bình là không hiểu biết gì về lĩnh vực ngân hàng, rất sợ rủi ro về tài chính và không có sẵn nguồn tiền mặt để mua CP.
Theo luật sư, ông Vũ không chủ động tìm kiếm ông Bình để được mua CP của DAB và cũng không che giấu quan ngại về rủi ro từ chính hoạt động mua bán loại hình tài sản này cộng với sự không có hiểu biết về chúng. Để ông Vũ an tâm, tin tưởng và chấp nhận lời đề nghị của mình, ông Bình có trả lời là: "Anh ở trong Ngân hàng DAB, anh rất hiểu về tình trạng, tiềm năng và sự phát triển của DAB. Anh Bình cam kết sẽ chịu trách nhiệm nếu mà CP DAB xuống thì anh sẽ bù lỗ…".
Sự thuyết phục này thể hiện ông Bình đã có toan tính, động cơ của mình khi đưa lời chào mời và cam kết. Kết quả, vì tin vào năng lực tài chính của ngân hàng cũng như cá nhân ông Bình nên Công ty Bắc Nam 79 đã vay vốn của DAB để mua 60 triệu CP.
Từ đó, luật sư kết luận ông Vũ không những không lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thuyết phục, lừa dối ông Bình nhằm mua được CP của DAB, ngược lại ông Bình đã lạm dụng uy tín, chức vụ của mình để thuyết phục ông Vũ tin mà chấp thuận thực hiện giao dịch.
Luật sư cũng khẳng định rằng ông Vũ đã thực hiện giao dịch mua CP hợp pháp, ngay tình, trung thực dựa trên giao dịch thế chấp và xác định số lượng CP sẽ mua trên số vốn thực có. Luật sư khẳng định Phan Văn Anh Vũ không có hành vi chiếm đoạt số tiền 200 tỉ đồng của DAB, mà chỉ với tâm thế của người đi vay tiền của ông Trần Phương Bình, còn việc điều chuyển tiền như thế nào là việc của ông Bình.
"Nói một cách chính xác hơn là giữa ông Vũ và ông Bình tồn tại một giao dịch dân sự - một hợp đồng vay tài sản. Trong hợp đồng này, bên cho vay không xác định kỳ hạn phải trả, không xác định lãi suất. Như vậy, ở đây tồn tại hợp đồng vay không kỳ hạn còn hiệu lực. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác" - luật sư trình bày.
Tại sao ông Vũ ký chứng từ, không nộp tiền?
Vấn đề này, luật sư nói rằng ông Vũ hoàn toàn tin tưởng vào ông Bình khi cho vay 200 tỉ đồng nên ghi giấy nộp tiền kiêm bảng kê theo sự hướng dẫn của bị cáo Nguyễn Đức Vinh, để Vinh thực hiện lệnh chuyển vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79.
"Trong việc này, bị cáo Vũ chỉ là người bị hại bởi những toan tính, không trung thực, che giấu thực trạng âm quỹ, nợ xấu…của DAB và sự chủ động đưa ông Vũ vào giao dịch bị lừa dối bởi chính ông Bình" luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nêu quan điểm bào chữa.
Luật sư cũng trình bày rằng bị cáo Vũ không bàn bạc, không xúi giục, không giúp sức cho ông Trần Phương Bình chiếm đoạt số tiền 203 tỉ đồng của DAB. Từ đó luật sư khẳng định bị cáo Phan Văn Anh Vũ không có hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"
Ngoài ra, luật sư cũng nêu một số chứng cứ cho rằng các điều tra viên thực hiện việc đối chất đã không ghi một cách đầy đủ những câu hỏi, câu trả lời của những người tham gia đối chất vào biên bản đối chất để làm rõ các vấn đề còn mâu thuẫn. Bên cạnh đó, điều tra viên còn thường xuyên nhắc lại những lời khai trước đó của ông Trần Phương Bình trong suốt quá trình thực hiện đối chất.
Bình luận (0)