Quá trình ghi nhận lời khai bước đầu tại cơ quan công an, cả tài xế Toàn và thượng úy Thoại đều cho rằng mình là nạn nhân.
Tố lẫn nhau
9 giờ sáng 30-11, trên xa lộ Hà Nội (thuộc phường Tân Phú, quận 9, TP HCM) xuất hiện một cuộc rượt đuổi giữa chiếc tải mang BKS: 77C-009.41 và xe CSGT phía sau.
Khi bắt kịp, giữa 2 bên bắt đầu xảy ra đôi co. Sau đó, tài xế lên cabin phóng xe chạy. Bên cánh cửa trái của cabin xe lại xuất hiện một sĩ quan CSGT đang cố bám theo để rút chìa khóa xe tải. Chạy thêm được một đoạn thì xe tải buộc phải dừng lại do đường quá đông. Lúc này, CSGT tố tài xế xe đã hành hung mình.
Tại Công an phường Tân Phú, quận 9, tài xế xe tải được xác định là Nguyễn Bảo Toàn (37 tuổi, quê Bình Định). Còn sĩ quan CSGT có liên quan là thượng úy Võ Văn Thoại, công tác tại Đội CSGT Rạch Chiếc, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC 67), Công an TP HCM.
Thông tin ban đầu, thượng úy Thoại bị thương do tài xế hành hung; đồng thời, tài xế Toàn còn có hành vi chống đối lực lượng chức năng đang thực thi công vụ thông qua việc không chấp hành hiệu lệnh.
Ngược lại, theo lời khai của tài xế Toàn thì anh ta không vi phạm lỗi gì và chính mình mới là nạn nhân. “Tôi nhất định không đưa thì CSGT lao lên xe giật chìa khóa và đánh một cái thật mạnh vào hông của tôi…. Sau đó, ảnh nhảy lên cabin xe tôi và ngồi luôn trên đó. Thật sự tôi không đánh CSGT, mà ảnh là người đánh tôi” - tài xế Toàn tố lại.
Những điểm cần làm rõ
Từ những thông tin mâu thuẫn như trên, đã khiến bạn đọc quan tâm đến vụ việc này nảy sinh nhiều thắc mắc. Để rộng đường dư luận, PV Báo Người Lao Động đã có cuộc ghi nhận ý kiến đa chiều về những tình tiết có liên quan đến vụ việc.
Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật Sư TP HCM, cho biết: Việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của CSGT trong công tác tuần tra lâu nay đáng được trân trọng, đề cao. Tuy nhiên, đối với vụ việc này, chúng ta cũng cần nhìn nhận hành động lao lên cabin để rút khóa xe tải đang lưu thông của đồng chí CSGT đã vượt quá những quy định cho phép trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Thông tư số 65/2012/TT-BCA cũng đã qui định rõ về “nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ”.
“Do đó, tôi thiết nghĩ tuy sự việc đã xảy ra ngoài mong muốn nhưng đây là vấn đề mà lực lượng CSGT cần ghi nhận để tránh những trường hợp đáng tiếc nếu tiếp tục diễn ra. Với cách ngăn chặn người vi phạm giao thông như trường hợp đơn cử nêu trên thì hậu quả sẽ không lường trước được, bởi nó sẽ gây nguy hiểm cho cả người vi phạm, người tham gia lưu thông xung quanh và bản thân người CSGT” - luật sư Đức nói.
Đồng quan điểm, một CSGT có thâm niên tại PC67 Công an TP HCM (xin được giấu tên), cho biết việc CSGT quyết tâm truy đuổi, bám vào cabin xe tải, giằng co với tài xế để rút chìa khóa dừng phương tiện nêu trên là điều cấm trong quy định tuần tra, kiểm soát.
Vị CSGT này chia sẻ thêm đối với phương tiện có dấu hiệu vi phạm, khi nhận được tín hiệu yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra của CSGT nhưng không chấp hành, về nghiệp vụ, có rất nhiều cách để xử lý an toàn trong tình huống này, như: dùng nhân chứng ghi lại biển số xe để phạt nguội hay bố trí phối hợp đón lỏng…
Công an phường Tân Phú đang lấy lời khai của tài xế
Với trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện là tội phạm nguy hiểm hoặc tình huống nghiêm trọng, khi nhận hiệu lệnh dừng xe mà không chấp hành thì CSGT mới sử dụng nghiệp vụ truy đuổi. Tuy nhiên, tất cả các phương án nghiệp vụ phải đảm bảo giữ an toàn cho người lưu thông.
“Tuyệt đối cấm CSGT leo hay bám vào cabin nhằm rút chìa khóa phương tiện, vì ngoài việc gây ra nguy hiểm, còn rất nhiều vấn đề nhạy cảm khác. Thêm nữa, hành động đó sẽ gây ra những phản ứng không đáng có đến từ người điều khiển phương tiện có dấu hiệu vi phạm. Theo tôi thì hành vi của tài xế nêu trên là chưa đến mức nguy hiểm để áp dụng biện pháp mạnh” – vị CSGT đánh giá.
Thông tin điều tra bước đầu cho thấy tài xế Toàn không có biểu hiện sử dụng ma túy hay chất kích thích khác.
Bình luận (0)