Cũng chính vì thế, thông tin Nguyễn Kim An (SN 1995, quê Bình Thuận) gây trọng án ở TP HCM khiến cả huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận và thầy cô, bạn bè bàng hoàng.
Chấn động huyện nghèo
Chúng tôi có mặt tại thôn Lạc Trung 2, thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) vào chiều tối 13-3. Căn nhà nhỏ của gia đình An mấy ngày qua chật kín người thân, hàng xóm đến động viên, chia sẻ.
Ông Nguyễn Kim T. và bà Nguyễn Thị D. (cha mẹ của An) hết ra lại vào, nhìn nhau thở dài. “Tôi đọc báo, thấy con ngồi trong phòng tạm giam, tay bị còng mà không cầm được nước mắt. Từ khi nhận được hung tin, gia đình tôi chỉ biết cúi mặt vì quá đau đớn, xấu hổ” - ông T. bộc bạch. Theo gia đình, tiền học phí của An đã đóng đủ cả năm. Mỗi tháng, cha mẹ An còn gửi 2,5 triệu đồng chi phí ăn ở, chưa kể anh chị An cho thêm tiền tiêu xài. “An không phải là đứa ăn chơi, tiêu pha phóng túng, làm sao phải vay nặng lãi được?” - bà D. vừa khóc vừa đưa xấp hóa đơn báo chuyển tiền cho chúng tôi xem.
Ông T. cho biết thêm trước lúc phát hiện xác của Lư Vĩnh Đạt, An gọi điện về gia đình tâm sự với tinh thần bấn loạn. Vì vậy, ngày 8-3, khi An chuyển nhà trọ, anh Nguyễn Kim Đ. (anh trai của An) từ quê vào TP HCM để xem cuộc sống của An thế nào, ông T. đã gọi điện dặn dò anh Đ. động viên An, hỏi xem có chuyện gì xảy ra nhưng An chỉ tỏ vẻ buồn buồn mà không chịu nói gì.
“Qua câu chuyện, tôi nghĩ có lẽ nó bị gài bẫy hay bị bọn người cho vay nặng lãi thúc ép sao đó, chỉ mong sao công an sớm điều tra ra sự thật. Tôi rất đau lòng về chuyện cháu Đạt. Sắp tới, tôi sẽ vào TP HCM xin phép gia đình Đạt được thắp hương viếng cháu” - ông T. nói.
Thông tin về vụ án cũng làm các cô thầy và bạn học của An bàng hoàng. Không ai nghĩ An có thể gây ra vụ án giết người tàn ác như thế. Cô Nguyễn Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng trường THPT mà An theo học, cho biết: “An có học lực trung bình nhưng ở trường chưa bao giờ có sai phạm hay gây điều tiếng gì. Hoạt động Đoàn, Đội cũng khá sôi nổi, nhiệt tình. An từng đại diện cho trường đi thi giải tin học trẻ toàn tỉnh năm học 2012-2013”. Cô Trần Thị H., giáo viên chủ nhiệm THPT của An, cũng nói: “Tôi không tin An có thể gây ra vụ án kinh hoàng như vậy. Tôi chủ nhiệm lớp của An 2 năm, biết tính An hiền lành, ai chọc tức gì cũng chỉ im lặng, không gây gổ đánh nhau, đối xử với bạn bè rất tốt”.
Một số người dân chúng tôi gặp cũng đều có chung nhận xét An hiền lành, gặp ai cũng lễ phép chào hỏi, chưa từng xảy ra vấn đề gì làm hàng xóm mích lòng. Gia đình An cũng rất nền nếp, cả 4 người con đều học hành đến nơi đến chốn.
Trong khi đó, bà Thái Thị Thanh Huyền, giám đốc trung tâm lập trình game - nơi An và Đạt theo học, cho biết: “Khóa học kéo dài 2 năm và đã khai giảng được 6 tháng. Trong lớp cả 2 đều ít nói, Đạt hay học hỏi, tìm tòi cái mới, còn An tích cực tham gia các CLB ngoại khóa của trung tâm. Ngày 27-2, khi gia đình đến trung tâm trình báo nhận được tin nhắn đòi tiền chuộc, trung tâm đã cử người đến phòng trọ của An để hỏi thăm nhưng người bạn chung phòng nói An đang ngủ. Ngày 2-3, trung tâm bắt đầu môn học mới, An vẫn đi học bình thường, thỉnh thoảng ghé thư viện truy cập internet”. Theo phản ánh của các thầy cô và học viên, từ khi gia đình báo Đạt mất tích đến lúc đám tang diễn ra, An đều không có biểu hiện gì bất ổn. Ngày trung tâm đến viếng Đạt, An cũng đi theo.
Gia đình nạn nhân bức xúc
Kể lại án mạng đau lòng xảy ra với con trai, ngày 14-3, bà Nguyễn Thị Lệ (SN 1972, mẹ nạn nhân Lư Vĩnh Đạt) cho biết: “Ngay sau khi nhận được tin nhắn yêu cầu 500 triệu đồng tiền chuộc con, tôi đã lên Công an phường An Lạc A trình báo. Trưa cùng ngày, Công an quận Bình Tân cử lực lượng hình sự xuống gặp tôi lấy lời khai. Tại buổi làm việc, công an kêu tôi xuống phòng trọ thằng An hỏi xem Đạt có đi đâu không, tôi nói có xuống rồi nhưng thằng An vẫn nằm ngủ ở phòng trọ. Tôi năn nỉ công an nhanh chóng vào cuộc vì con tôi đi đâu, làm gì, với ai thường gọi về nhưng họ nói tôi chờ đợi, có tin nhắn thì báo lại cho một cảnh sát hình sự tên Duy”.
Nóng lòng khi nhiều ngày không xác định được tung tích Đạt, bà Lệ hối thúc công an nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Đã mời thằng An lên làm việc nhưng mình đang ở thế bị động, gia đình cứ chờ đi”.
Ngày 1-3, vợ chồng bà Lệ mang đơn đến Công an TP HCM. Người trực ban trả lời: “Vụ này công an quận đang làm thì để ở dưới làm, chừng nào bức bí thì Công an TP sẽ phối hợp”. Trưa 2-3, bà Lệ cho biết đã có 150 triệu đồng, đề nghị hẹn kẻ bắt cóc nhưng công an trả lời “không muốn mạo hiểm”, “câu qua thứ 2 giao tiền”.
“Đến khi Công an TP HCM công bố một xác chết nghi là học sinh bị bỏ bao tải trôi sông Sài Gòn, anh Duy mới liên tục gọi điện kêu tôi lên phường gặp gấp. Đến nơi, anh Duy kêu tôi đưa điện thoại ghi lại những tin nhắn tôi nhận được. Từ ngày 27-2 đến 4-3, chúng tôi cầu cứu nhưng lúc nào cũng được nghe chờ. Tôi nghĩ việc xác định nơi phát ra tin nhắn của điện thoại là không khó nhưng vì sao công tác phá án cứ ì ạch đến khi hậu quả xảy ra? Tôi dự định sẽ nhờ Đoàn Luật sư TP HCM trợ giúp pháp lý cũng như đang xem xét khiếu nại về trách nhiệm những người liên quan” - bà Lệ bức xúc cho biết thêm.
Bộ Công an vào cuộc
Theo gia đình bà Lệ, sau khi chôn cất Lư Vĩnh Đạt, Công an TP HCM đã gọi điện hỏi thêm một số thông tin cũng như diễn biến vụ án. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã cử 2 điều tra viên xuống làm việc với gia đình.
Bình luận (0)