Sáng 25-3, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện bệnh viện Mắt Sài Gòn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguyên đơn là ông Huynh Tom Vu (tên khác là Huỳnh Hữu Thông, SN 1960, Việt kiều Mỹ) đòi bệnh viện Mắt Sài Gòn (quận 1, TP HCM) đền gần 80.000 USD.
Theo đơn khởi kiện, tháng 6-2009, ông Thông về Việt Nam thăm gia đình kết hợp với việc chữa trị mắt. Qua giới thiệu của nhiều người, ông Thông đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn khám và được chẩn đoán mắt phải bị đục thủy tinh thể, phải mổ theo phương pháp phaco + IOL. Ngày 5-6-2009, ông Thông được phẫu thuật với chi phí 7,9 triệu đồng và xuất viện ngay trong ngày.
Sau đó, do thấy có biểu hiện bất thường ở mắt, ông Thông đã đến tái khám vào ngày 12-6-2009. Bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn và Bệnh viện Mắt TP HCM đều chẩn đoán mắt phải của ông bị loét giác mạc, nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến nguy cơ mù vĩnh viễn. Lo sợ, ông Thông đã về Mỹ điều trị tại bệnh viện San Francisco General với chi phí 50.000 USD.
Ông Thông yêu cầu Bệnh viện Mắt Sài Gòn có trách nhiệm bồi thường 85.000 USD thiệt hại về thu nhập (hiện thị lực mắt phải của ông chỉ còn 40%, không thể tiếp tục làm nghề lái taxi), chi phí cho người nuôi bệnh và các chi phí khác trong thời gian 10 tháng điều trị… Tại phiên tòa, ông Thông chỉ yêu cầu Bệnh viện Mắt Sài Gòn bồi thường gần 80.000 USD, bao gồm viện phí và tiền mất thu nhập do giảm thị lực.
Tuy nhiên, đại diện Bệnh viện Mắt Sài Gòn không đồng ý với yêu cầu đòi bồi thường của ông Thông, bởi lẽ “Các bác sĩ và nhân viên đã thực hiện đúng pháp luật về khám, chẩn đoán, phẫu thuật và theo dõi sau phẫu thuật”. Ngoài ra, phía Bệnh viện Mắt Sài Gòn còn cho rằng ông Thông chưa tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tự ý không trở lại tái khám. Đại diện bệnh viện cũng không đồng ý với bản kết luận giám định pháp y của Phân viện Pháp y quốc gia tại TP HCM nhưng không yêu cầu giám định lại.
Thế nhưng ông Thông khẳng định đã đến tái khám vào ngày 8-6, 12-6 và 20-6-2009. Trong lần tái khám thứ nhì, ông đã nêu rõ tình trạng mắt phải của mình nhưng bác sĩ chỉ cho thuốc uống và nhỏ mắt. Đặc biệt, vào ngày 20-6-2009, trước khi đến bệnh viện, ông đã điện thoại thông báo cho bác sĩ theo dõi nhưng một bác sĩ khác đã tái khám cho ông rất sơ sài. Ông thắc mắc thì được trả lời bác sĩ theo dõi “đi có việc”. Toa thuốc hôm đó không ghi ngày quay lại tái khám trong lời dặn như những toa thuốc trước. Do visa hết hạn, ông phải trở lại Mỹ.
Sau nhiều ngày nghị án, HĐXX nhận định, ngày 20-6 ông Thông về Mỹ do hết hạn visa, không phải do bệnh tình trở nặng. Đồng thời, ông Thông cũng không trao đổi với bệnh viện về tình trạng bệnh tật cũng như hai bên không có thỏa thuận gì về việc đồng ý cho ông Thông điều trị bệnh ở Mỹ.
Ngoài ra, biến chứng sau mổ trong y khoa là do nhiều nguyên nhân nhưng không có cơ sở khoa học để khẳng định do bác sĩ có lỗi. HĐXX cũng không thể xác định được nguyên nhân gây ra phù loạn dưỡng giác mạc. Bên cạnh đó, bệnh viện ở Việt Nam có thể điều trị hết biến chứng loạn dưỡng giác mạc nhưng ông Thông chưa tuân thủ phương pháp điều trị.
Từ những nhận định trên, HĐXX đã bác yêu cầu kiện Bệnh viện Mắt Sài Gòn của ông Thông, miễn án phí và hoàn lại 30 triệu đồng tạm ứng án phí đã nộp của ông Thông.
Bình luận (0)