Nhắc đến Ksor Y Lip (tên thường gọi Ma Dốt, SN 1972; ngụ buôn Bưng A, xã EaLâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), người dân trong xã đều tỏ thái độ nể trọng, xem ông như một người thầy. Khác với nhiều năm trước, Ma Dốt không còn mặc cảm khi nói về tội lỗi trước đây của mình.
Dạy dân làm giàu
Trước kia, gia đình có nhiều rẫy với đàn bò gần chục con nhưng vì nghe theo lời dụ dỗ của một nhóm phản động, Ma Dốt bán sạch rồi lôi kéo, đưa một số thanh niên trong xã vượt biên trái phép sang Campuchia.
“Hồi đó, mình ham tiền. Nghe họ nói qua Campuchia chẳng làm gì mà vẫn có tiền, ở nhà lầu nên ham. Sau này, những người bỏ trốn trước đó về kể lại mới biết họ nói láo” - Ma Dốt nhớ lại.
Bị bắt quả tang khi đưa người vượt biên trái phép năm 2004, Ma Dốt phải lãnh 4 năm tù. Do cải tạo tốt, năm 2007, Ma Dốt được đặc xá. “Đất chẳng còn mà bò cũng hết sạch, 2 đứa con nheo nhóc. Mình chán nản lắm. Một số kẻ xấu tiếp tục lôi kéo nhưng mình nghĩ không thể đi sai đường một lần nữa nên đuổi bọn họ về, không chơi” - Ma Dốt tâm sự.
Vay vốn dành cho hộ nghèo được 20 triệu đồng, Ma Dốt đào ao thả cá và nuôi heo. Tích cóp từng chút một, Ma Dốt không chỉ trả hết nợ ngân hàng mà còn tậu thêm rẫy để trồng 2 ha cao su, 4 ha sắn. Có vốn liếng, Ma Dốt lại đầu tư hơn 200 triệu đồng mua máy cày, máy tuốt lúa, máy bơm nước giúp dân, đến mùa mới trả tiền; đào thêm ao nuôi cá để người dân trong xã “thích thì thả lưới kiếm cái ăn”.
“Người dân xã này nhờ Ma Dốt lắm. Nó còn bày dân trồng sắn cao sản, nuôi heo sữa để bán kiếm tiền. Dân ở đây quý nó lắm” - ông Ksor Y Đen, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã EaLâm, nói.
Mở lớp học xóa mù chữ
Sau khi tốt nghiệp Khoa Trồng trọt Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, ông Phan Đình Thế (SN 1958; ngụ buôn Bai, xã EaLâm, huyện Sông Hinh) được tuyển dụng vào làm Đội trưởng Đội Giống cây trồng thuộc Công ty Giống cây trồng huyện Ayunpa (Gia Lai). “Tôi bị đồng tiền làm mờ mắt nên đã phạm tội tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cái giá phải trả là 4 năm tù” - ông Thế kể.
Những ngày trong tù, ông Thế bắt đầu tìm thấy việc làm ý nghĩa cho mình khi được phân công xóa mù chữ cho các nữ phạm nhân và làm kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho trạm giam. Năm 1990, ông Thế được đặc xá. Suốt 2 năm bị người quen, bạn bè xa lánh, ông chật vật làm đủ nghề từ phụ hồ, bán bánh mì đến làm thuê.
Sau đó, ông Thế quyết định đưa gia đình về buôn Bai sinh sống. Ban đầu, ông mở lò nấu rượu, nuôi heo. Một thời gian sau, ông chuyển sang mở tạp hóa, sắm máy cày để vừa làm rẫy vừa vận chuyển hàng nông sản cho người dân trong vùng.
Nhớ về những ngày cầm phấn khi còn ở tù, ông đề xuất lãnh đạo xã EaLâm tự mở một lớp học xóa mù chữ cho thanh thiếu niên trong xã. Ban đầu chỉ vài người theo học, về sau, lớp học chỉ 40 m2 nhưng có đến hơn 60 học sinh. Sau hơn 1 năm có 23 học sinh trúng tuyển vào các lớp 4, 5, 6 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện. Nhiều học sinh trong số ấy tốt nghiệp ĐH trở về xã công tác.
Ông Thế cũng là người đầu tiên dạy cho người dân Êđê ở EaLâm biết cách ngăn suối, đắp đập làm lúa nước. Giờ diện tích lúa nước ở đây đã lên trên 20 ha, nhiều hộ dân không còn lo đói.
12% người tái phạm tội
Ngày 30-9, lần đầu tiên, Công an tỉnh Phú Yên tổ chức biểu dương những mô hình, cá nhân điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Theo số liệu của Công an tỉnh Phú Yên, khảo sát trên 2.000 người đã chấp hành xong án phạt tù trong 10 năm qua, có 222 người tái phạm tội, chiếm tỉ lệ khoảng 12%.
“Người chấp hành xong án phạt tù về lại địa phương phần lớn trình độ thấp, không có chuyên môn, nghề nghiệp nên khó có cơ hội tiếp cận và tìm kiếm việc làm ổn định để tái hòa nhập cộng đồng” - đại tá Lê Xuân An, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, nhìn nhận.
Bình luận (0)