Ông Đinh Sơn Kỳ (SN 1974; quê xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn) từng là Trưởng đại diện Văn phòng Vinaphone - chi nhánh Quảng Bình, bị nhiều người tố nhận tiền "chạy việc". Dù không bố trí được việc làm như hứa hẹn,nhưng "chây ì" nhiều năm qua không trả lại.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chị Trần Võ Mỹ Hiền (ngụ phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn) - cho biết năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, do chưa xin được việc làm, chị tình cờ quen biết ông Đinh Sơn Kỳ, đang là Trưởng đại diện Văn phòng Vinaphone - Quảng Bình.
Ông Kỳ nói muốn được vào làm việc tại đây thì phải đóng 130 triệu tiền "chi phí", sẽ được ký hợp đồng lao động và trở thành nhân viên chính thức của Vinaphone Quảng Bình sau 6 tháng hợp đồng thử việc.
Chị Trần Võ Mỹ Hiền - vừa gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo hành vi nhận tiền "chạy việc" của ông Đinh Sơn Kỳ - ảnh Hoàng Phúc
Lúc này, ông Kỳ giao lại toàn bộ cho ông L.T.C - nhân viên lái xe của mình - để làm việc, thương thảo với chị Hiền. Sau khi nhất trí với giá tiền đó, chị Hiền cùng gia đình đã chạy vạy 130 triệu đồng để đóng "chi phí" xin việc và giao đủ 130 triệu đồng cho ông C. Ông C. đã viết và ký vào giấy biên nhận, nội dung giấy này ghi rõ là "đóng tiền trách nhiệm".
Sau đó, chị Hiền được thông báo vào Văn phòng Vinaphone - Quảng Bình để làm việc. Nhưng trớ trêu, chị Hiền không phải được bố trí công việc "nhân viên viễn thông" như lời hứa, trái lại là lao động tự do. Tại đây, chị không được ký hợp đồng lao động, không được bố trí công việc gì và chẳng chịu sự quản lý của ai.
Giấy biên để "đóng tiền trách nhiệm" mà chị Hiền đang giữ cách đây 10 năm trước - ảnh Hoàng Phúc
Sau 4 tháng "ngồi chơi xơi nước", chị Hiền được chi trả mỗi tháng 1,5 triệu đồng mà ông Kỳ gọi là lương "nhân viên"; về sau thì không được trả lương nữa. Cuối năm 2012, chẳng thấy ai đến văn phòng làm việc nữa nên chị đành dứt áo về quê, với món nợ treo trên đầu.
Tương tự, năm 2010, chị Hồ Thị Thu Thảo (ngụ thị xã Ba Đồn) cũng được ông Kỳ nhận vào làm việc với mức giá là 100 triệu đồng và được nhận lương mỗi tháng là 1,5 triệu.
Sau khi văn phòng chi nhánh viễn thông này giải tán, chị Thảo thất nghiệp và trở về quê lập gia đình. Quá bức xúc, chị Thảo nhiều lần tìm gặp ông Kỳ để đòi lại số tiền mà mình đã đưa. Sau nhiều lần thất hứa, ông này chỉ mới trả 50 triệu và "mất tích" cho đến nay.
Ngoài ra, hơn 10 trường hợp khác, như: chị Đ.H.L, anh H.S.H, chị H.T.D…, chủ yếu ở thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới, đã "tố" ông Đinh Sơn Kỳ nhận tiền "chi phí" nhưng không bố trí công việc làm nhân viên viễn thông như hứa hẹn, cũng không trả lại tiền.
Nhiều năm qua, các nạn nhân liên tục liên lạc với ông Kỳ để đòi lại số tiền nhưng ông này vẫn hứa hẹn, lần lừa lần này tới lần khác. Sau này, một số người đã tìm gặp ông Kỳ để đòi lại tiền, một số nạn nhân "may mắn" được ông ta trả lại một ít tiền rồi "mất hút" cho đến nay.
Chị Trần Võ Mỹ Hiền và Hồ Thị Thu Thảo tố cáo hành vi lừa đảo của ông Đinh Sơn Kỳ - ảnh Hoàng Phú
Qúa bức xúc, nhiều nạn nhân đã đồng loạt ký đơn tập thể gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình tố giác về hành vi lừa đảo "chạy việc" của ông Kỳ để mong sớm điều tra, làm rõ để sớm đòi lại quyền lợi cho các nạn nhân
Mới đây, sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ quy định của pháp luật, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã chuyển đơn đến Công an thị xã Ba Đồn để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Công an địa phương này đang xác minh tin tố giác của các bị hại.
Thượng tá Nguyễn Vũ Cương - Trưởng Công an thị xã Ba Đồn - cho biết: "Về việc này, đơn vị đang thụ lý theo tin báo tố giác tội phạm theo quy trình, còn chi tiết sâu thì hiện chúng tôi chưa thể cung cấp. Nếu trường hợp đối tượng bỏ trốn thì chúng tôi sẽ có phương án làm theo kiểu bỏ trốn, đối tượng còn cư trú tại địa phương thì chúng tôi sẽ có phương án xử lý liên quan đến nghiệp vụ điều tra".
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Phòng Tổ chức Viễn thông Quảng Bình (VNPT) - cho biết ông Đinh Sơn Kỳ trước đây là Phó trưởng Phòng Mạng dịch vụ thuộc đơn vị này. Tháng 10-2009, ông Kỳ chuyển về giữ chức Trưởng Văn phòng Vinaphone - Quảng Bình thuộc Trung tâm Dịch vụ Viễn thông khu vực III (TP Đà Nẵng); không thuộc quản lý của VNPT - Quảng Bình.
"Văn phòng này chỉ hoạt động chừng 5 năm thì giải thể. Ông Kỳ cũng nghỉ việc từ đó đến nay" – vị này khẳng định.
Luật sư nói gì?
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật thuộc Đoàn Luật sư TP HCM - cho biết thực tế cho thấy, trong nhiều năm trở lại đây, lợi dụng cơ hội, vị trí việc làm vào các cơ quan nhà nước ngày càng khó khăn, số lượng sinh viên ra trường lớn nhưng chưa xin được việc làm, nhiều đối tượng đã nghĩ ra nhiều cách để lừa tiền của nạn nhân.
"Trường hợp này, nhiều nạn nhân phải đi mượn tiền hay bán các tài sản của gia đình để có tiền đưa cho ông Kỳ, nhưng không bố trí được công việc. Do đó, hành vi lừa chạy việc không những vi phạm về mặt đạo đức mà là còn vi phạm pháp luật. Đối với trường hợp này, khi nhận được đơn tố giác, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ có hay không có hành vi vi phạm cũng như có đồng phạm hay không. Việc xác định hình phạt phụ thuộc rất lớn vào mức độ nguy hiểm của từng loại tội phạm" - luật sư Bình phân tích.
Luật sư Bình cho biết theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, tùy từng trường hợp, đối với người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có thể sẽ phải chấp hành các hình phạt chính như cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân. Trường hợp chiếm đoạt tài sản của nạn nhân có trị giá 500 triệu đồng trở lên thì đối tượng có thể đối diện khung hình phạt từ 12 ến 20 năm hoặc tù chung thân.
Bình luận (0)