xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây dựng văn hóa nơi pháp đình

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Ở nhiều nước trên thế giới, tòa án là nơi tôn nghiêm. Mọi công dân khi đến tòa án phải bỏ mũ và cúi đầu chào, không được tỏ cử chỉ khiếm nhã

Pháp đình hay còn được gọi là tòa án – biểu hiện của luật pháp và công lý. Văn hóa pháp đình được biểu hiện dưới hai phạm trù: Văn hóa vật thể pháp đình (cơ sở vật chất của tòa án) và văn hóa phi vật thể pháp đình (việc xử lý các mối quan hệ trong tố tụng và việc ứng xử trong phiên tòa của những người tham gia tố tụng).

Để bảo đảm tính tôn nghiêm và văn hóa ở chốn pháp đình, tòa án nào cũng có những nội quy buộc những người đến tòa án phải tuân theo. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những nơi, những lúc văn hóa pháp đình bị “bỏ quên”, xem nhẹ.

img
HĐXX vụ băng cướp dùng súng K54 (TAND TPHCM- Ảnh minh họa, không thuộc trường hợp nào trong bài  viết). Ảnh: T. Trâm


Cơ sở vật chất nhếch nhác


Tòa án uy nghi thể hiện tính quyền lực nhà nước. Vì thế, trước mỗi tòa án đều có gắn quốc huy – biểu tượng của quốc gia, thể hiện chế độ, hình ảnh đặc trưng của quốc gia đó.

Cách bố trí các vị trí của hội đồng xét xử (HĐXX) - công tố (viện kiểm sát - VKS) – bồi thẩm đoàn – luật sư của các quốc gia có sự khác nhau. Ví dụ ở Thụy Điển, chiếc bàn trong phòng xử hình vòng cung, HĐXX (gồm một thẩm phán và bốn hội thẩm) ngồi ở đầu trên, phía bên trái dành cho ủy viên công tố và nạn nhân; phía bên phải là luật sư và bị cáo. Đối diện HĐXX là chiếc ghế tách rời dành cho nhân chứng. Phía sau nhân chứng là những hàng ghế dành cho những người tham dự.

Ở tòa án Việt Nam, HĐXX được bố trí ngồi giữa, bên trái HĐXX là bàn thư ký, bên phải là bàn của ủy viên công tố, bàn luật sư thường được bố trí phía dưới. Cách bố trí này, vị trí của luật sư có vẻ như không được bình đẳng so với VKS. 


Hiện nay, các tòa án được trùng tu, xây dựng khang trang hơn thời kỳ trước. Nhưng ở một số tòa án quận, huyện do cơ sở vật chất thiếu thốn nên bàn, ghế ngồi của luật sư khập khiễng; ghế ngồi cho người tham dự thiếu và quá cũ kỹ; hệ thống âm thanh không có, đèn hư, trần nhà mạng nhện giăng đầy như nhà hoang.

Có nhiều phiên xử, người tham dự phải đứng chen chúc bên ngoài phòng xử nhìn vào vì bên trong chỉ có hai - ba hàng ghế, trong khi phòng xử bên cạnh những chiếc ghế chất chồng lên nhau... Thậm chí có tòa án quận, huyện còn lấy phòng xử làm nơi chứa đồ (!). Cơ sở vật chất nhếch nhác đã làm mất đi tính uy nghiêm của chốn pháp đình.


Ý thức công dân quá kém 


Chúng ta biết tòa án là nơi tôn nghiêm, tất cả mọi công dân khi đến tòa án phải có ý thức tôn trọng. Tuy nhiên, trong giờ xét xử, có nhiều người thường đi ra đi vào như đi chợ; điện thoại di động không tắt chuông, tắt máy hoặc cách ăn mặc xuề xòa, thiếu nghiêm túc của người đến tham dự phiên tòa... đã làm cho pháp đình thiếu đi tính tôn nghiêm.

Tôi từng dự phiên tòa mà nhân chứng khi được mời lên ăn mặc quá lòe loẹt, phản cảm khiến vị thẩm phán phải cho dừng phần xét xử, yêu cầu họ “mượn” áo khoác của người khác mặc vào.

Ở phiên tòa dân sự, khi phán quyết của tòa án gây bất lợi cho nguyên đơn hoặc bị đơn, một số người đã không kiềm chế, có những lời nói thóa mạ, những hành động quá mức cho phép như ném đá, đánh luật sư, thư ký, thẩm phán...


Thực ra, tòa án nào cũng treo một bản nội quy tòa án trước phòng xử. Tuy nhiên, đó chỉ là những quy định chung, còn quy chế cụ thể để quy định về tác phong đi đứng, cách ăn mặc, cách ứng xử... cho người đến chốn pháp đình (cho dù với bất kỳ tư cách nào), các biện pháp chế tài đối với người vi phạm hầu như chưa có, trong khi ý thức của mỗi cá nhân quá kém.

Ở nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước theo hệ thống pháp luật của Anh và Mỹ (Common Law), chịu ảnh hưởng bởi tính truyền thống lễ nghi phong kiến sâu sắc, tòa án là nơi tôn nghiêm. Mọi công dân khi đến tòa án phải bỏ mũ và cúi đầu chào một cách nghiêm túc, không được tỏ cử chỉ khiếm nhã hay đùa cợt, nhất là trong phòng xử án. 


Đại diện cơ quan tố tụng chưa nghiêm túc


Trong cách ứng xử giữa HĐXX – VKS – luật sư cũng còn nhiều điều phải bàn. Vì bất đồng quan điểm với HĐXX, đã có vị công tố xách cặp bỏ về không thèm tham gia phiên xử, bỏ mặc vị chủ tọa ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Thường xuyên nhất (đến mức trở nên bình thường) là công tố viên chỉ “kính thưa HĐXX” khi đọc cáo trạng, phát biểu quan điểm mà quên đi sự hiện diện của luật sư. Ở phần tranh luận, có công tố viên thích “bảo lưu quan điểm truy tố” hơn là tranh luận lại với luật sư.

Cũng có vị công tố khi tranh luận dùng lời lẽ nặng nề, xúc phạm đến danh dự, tư cách của luật sư, quát nạt bị cáo...


Ngược lại, để bảo vệ cho thân chủ của mình, nhiều luật sư cũng có những phát ngôn rất chủ quan, không có cơ sở pháp lý hoặc có những lời phát biểu mang đậm tính cay cú, thậm chí bỏ ra về khi bất đồng một quan điểm nào đó.

Cũng có những luật sư thờ ơ với phần thẩm vấn của HĐXX, vô tư làm việc riêng, chờ đến phiên mình thì đứng lên “đọc” một lèo bài bào chữa như... trả nợ.


Bên cạnh đó, HĐXX dù ngồi ở vị trí cao nhất trong phòng xử, chịu trách nhiệm về toàn bộ những gì diễn ra tại phiên tòa nhưng nhiều khi thẩm phán - chủ tọa phiên tòa cũng không kiềm chế được sự bực tức đã quát tháo, gay gắt với bị cáo (phiên tòa hình sự) khi thẩm vấn; khoát tay, chặn lời khi luật sư đang trình bày luận cứ bào chữa hay tranh luận với đại diện VKS...

Nhiều hội thẩm nhân dân hỏi đi hỏi lại những điều mà thẩm phán, VKS đã hỏi hoặc có những lời giáo điều khá  ngô nghê làm mất thời gian HĐXX.


Ngay như lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ phiên tòa cũng có nhiều điều đáng bàn khi không ít anh đang làm công tác bảo vệ can phạm lại thản nhiên ngồi đọc báo, hút thuốc, chơi game trên điện thoại một cách vô tư.
 

Thiết nghĩ, trong xu thế hội nhập hiện nay, văn hóa nơi pháp đình cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Điều đó giúp phát huy tính nhân văn trong xét xử, nâng cao vị thế của pháp đình. Ngoài ra, các cấp lãnh đạo của ngành tòa án nên đưa ra những quy định cụ thể hơn nhằm khắc phục tình trạng thiếu sót như hiện nay.

Điều quan trọng nữa là cần xây dựng kiện toàn hệ thống cơ sở vật chất cho các tòa án cấp quận, huyện theo một mô hình thống nhất để đáp ứng cũng như bảo đảm cho việc xét xử được công bằng, dân chủ hơn và nhất là thể hiện rõ tính quyền lực nhà nước của pháp đình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo