Ngày 11-7, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức Chung, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong vụ vi phạm quy định về đấu thầu, xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (Sở KH-ĐT).
Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên toà cấp phúc thẩm
Trong đơn gửi tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên phạt mình 3 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Hai bị cáo khác gồm Phạm Thị Kim Tuyến (nguyên trưởng phòng thuộc Sở KH-ĐT) và Phạm Thị Thu Hường (nguyên chánh Văn phòng Sở KH-ĐT) xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo thông báo của thư ký phiên tòa, vào phiên tòa xét xử sáng nay có vắng mặt một số người làm chứng và một số người liên quan trong vụ án. Trước sự vắng mặt của một số người nên trên, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm cho rằng, tất cả những người này đều đã có lời khai cụ thể trong hồ sơ vụ án. Sự vắng mặt này không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án nên đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.
Trước phiên tòa phúc thẩm, thông qua các luật sư bào chữa, ông Chung đã nộp bổ sung nhiều tài liệu liên quan. Trong đó có hồ sơ bệnh án của Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec; hồ sơ bệnh án của Phòng khám đa khoa quốc tế Vietsing; hồ sơ bệnh án của Bệnh viện K; biên bản khám và hội chuẩn bệnh nhân ngày 18-10-2020 tại Bệnh viện 19-8 Bộ Công an.
Ngoài hồ sơ bệnh án, nguyên chủ tịch Hà Nội cũng nộp 85 tài liệu là bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, huân chương trong suốt quá trình công tác của mình từ ngành công an đến UBND TP Hà Nội; nộp nhiều bằng khen, giấy khen của bố, mẹ đẻ trong các hoạt động, phong trào của hội chữ thập đỏ, bảo trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc màu da cam… Bên cạnh đó, bị cáo Chung còn nộp thêm các đơn xác nhận thiện nguyện và đơn của nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức, xin giảm nhẹ cho mình.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2016, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ là người có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm gói thầu số hóa dữ liệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Đứ Chung với tư cách chủ tịch UBND TP, nhiều lần gọi điện chỉ đạo quyết liệt bị cáo Tứ dừng mở thầu. Việc làm này trái quy định của pháp luật.
Bị cáo Chung còn yêu cầu Sở KH-ĐT chọn công nghệ mới của Nga và từ đó, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu, thí điểm số hóa. Ngoài ra, Công ty Minh Hoa (do vợ ông Nguyễn Đức Chung làm giám đốc) ký hợp đồng khống với Nhật Cường để hợp thức hóa hồ sơ năng lực cho doanh nghiệp dự thầu.
Cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Chung vì vụ lợi cá nhân, đã lợi dụng chức vụ chủ tịch Hà Nội, chỉ đạo Sở KH-ĐT cùng nhóm bị cáo Tứ "ưu ái" trái quy định cho doanh nghiệp được thí điểm số hóa dữ liệu doanh nghiệp của Hà Nội. Các bị cáo tại Công ty Đông Kinh cùng với Công ty Nhật Cường thiết lập "quân xanh" để thông thầu, sau khi trúng thầu lại chuyển nhượng trái phép cho nhau để hưởng lợi.
Hội đồng xét xử đánh giá hành vi của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng.
Ngày 31-12-2021, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị TAND Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến lĩnh 4 năm 6 tháng tù; còn Phạm Thị Thu Hường bị phạt 3 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bình luận (0)