Sáng 25-6, TAND TP HCM đã đưa vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" ra xét xử sơ thẩm đối với ông Đặng Thanh Bình (nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - NHNN).
Bị cáo Đặng Thanh Bình đang trả lời HĐXX
Bốn đồng phạm khác cùng hầu tòa gồm: Hà Tấn Phước (nguyên Tổ trưởng Tổ Giám sát NHNN), Phạm Thế Tuân (nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh TP HCM), Lê Văn Thanh (nguyên Chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An), Ngô Văn Thanh (nguyên Phó Phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An).
Đòi giải mật văn bản
Năm 2012, ông Bình được phân công phụ trách Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN. Ông Bình có nhiệm vụ giúp thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém, trong đó có Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, sau là Ngân hàng Xây dựng - VNCB). Ông Bình ký tờ trình lập Tổ giám sát NHNN đặt tại TrustBank; đã được NHNN giao nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định số 12/QĐ-NHNN. Những người này được chủ động tiếp cận không hạn chế mọi tài liệu, hồ sơ, thông tin, hệ thống phần mềm của TrustBank.
Ngày 15-8-2012, ông Bình ký tờ trình trình Thủ tướng về phương án tái cơ cấu TrustBank với nội dung: Cần tiếp tục xác minh năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới để bảo đảm nguồn tiền đầu tư vào TrustBank. Tờ trình này ông Bình đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương việc TrustBank thực hiện tái cơ cấu. Trên cơ sở đề nghị của NHNN, Thủ tướng đã có chỉ đạo tại thông báo: "Thống đốc NHNN chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới đầu tư vào TrustBank và sau khi tái cơ cấu, ngân hàng có tình trạng tài chính lành mạnh, đáp ứng quy định về bảo đảm tỉ lệ an toàn hoạt động ngân hàng".
Tuy nhiên, ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN trình Thủ tướng, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN. Việc buông lỏng của ông Bình đã tạo điều kiện cho ông Phạm Công Danh vào quản lý, nắm giữ, điều hành TrustBank, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội. Hậu quả làm cho việc kinh doanh của ngân hàng thua lỗ liên tục, thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng.
Cáo trạng xác định ông Phước phải có trách nhiệm với số tiền thiệt hại là 3.454 tỉ đồng, Lê Văn Thanh là 6.591 tỉ đồng, ông Tuân là 3.454 tỉ đồng và ông Ngô Văn Thanh là 10.046 tỉ đồng.
Tại tòa, luật sư yêu cầu HĐXX cần phải giải mật các văn bản trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp nhận vì không thuộc phạm vi giải quyết của tòa.
VNCB khá tinh vi?
Trình bày trước tòa, ông Đặng Thanh Bình nói cáo trạng truy tố ông là chưa đúng. Ông Bình cho biết Quyết định 12 được ban hành thành lập tổ giám sát 6 ngân hàng yếu kém trong đó có TrustBank. Định kỳ tổ giám sát có gửi báo cáo cho thống đốc thông qua Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh trên địa bàn. Trước những sai phạm của VNCB, tổ giám sát đã gửi nhiều báo cáo, từ đó ông đã chỉ đạo xử lý kịp thời.
Trả lời câu hỏi qua kết quả điều tra, trên thực tế khả năng tài chính của nhà đầu tư tham gia vào TrustBank có bảo đảm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hay không, ông Bình cho biết ông đã phê duyệt đề nghị Cơ quan Thanh tra Giám sát kiểm tra chặt chẽ nguồn vốn đã sử dụng.
Bốn bị cáo còn lại cho rằng đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của thành viên tổ giám sát và chịu trách nhiệm trước tổ trưởng, tham gia đầy đủ các cuộc họp của tổ; định kỳ báo cáo đơn vị quản lý về kết quả, nhiệm vụ được giao.
Bị cáo Ngô Văn Thanh khai rằng VNCB thực hiện giao dịch hàng trăm tỉ, tổ giám sát đã không đồng ý nhưng lãnh đạo ngân hàng này vẫn cố tình làm. Tương tự, bị cáo Phạm Thế Tuân cho rằng phát hiện những giao dịch sai phạm của VNCB cả tổ đã không đồng ý, đề ra các giải pháp tức thời, yêu cầu ngưng ngay các vi phạm, thu hồi ngay các khoản đã cho vay. Đồng thời, những sai phạm này tổ giám sát đã báo cáo cho cơ quan thanh tra, lãnh đạo NHNN để có biện pháp xử lý.
"Trong giai đoạn này, ngoài giám sát VNCB, tôi còn tham gia giám sát Ngân hàng Nam Việt và Ngân hàng Phương Tây, đây là các ngân hàng hoạt động yếu kém buộc phải giám sát. Tôi cảm thấy xót xa, xấu hổ khi hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng có những thành công nhất định nhưng đến giai đoạn cuối thì lại rơi vào trường hợp tệ hại này. Bởi vì VNCB hoạt động quá tinh vi, qua mặt nhiều người, nhiều cơ quan chức năng bằng những thủ đoạn không thể chấp nhận được" - bị cáo Tuân biện minh.
Bị cáo Lê Văn Thanh khai tổ giám sát đã phát hành 11 văn bản để chấn chỉnh, chủ yếu đôn đốc VNCB báo cáo nguồn tiền; yêu cầu lần thứ 5 thì VNCB mới báo cáo nhưng không đầy đủ. Sau đó, VNCB muốn tái cơ cấu nhưng tổ giám sát trả lời chờ ý kiến trung ương. Tuy nhiên, lúc này VNCB vẫn cố tái cơ cấu và tổ giám sát có văn bản kiến nghị trung ương tạm thời đình chỉ hoạt động tại VNCB.
Sau khi xét hỏi các bị cáo, HĐXX yêu cầu thư ký gửi thư triệu tập khẩn cấp Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN có mặt lúc 8 giờ ngày 26-6.
Ý kiến trái chiều về giải mật văn bản
Luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Ngô Văn Thanh) nói rằng tài liệu mật nằm trong hồ sơ nên yêu cầu giải mật nhằm bảo đảm tính công khai để khi luật sư tranh tụng có thể sử dụng để bào chữa cho bị cáo. Nếu tài liệu mật đã được đưa vào hồ sơ, bút lục, được sao chụp thì sao còn gọi là mật?
Tuy nhiên, luật sư Vũ Phi Long (bào chữa cho 2 bị cáo khác) cho rằng việc văn bản mật của NHNN không được giải là đúng bởi vì đó là tài liệu mật của ngân hàng. Nếu không được giải mật thì luật sư sẽ căn cứ vào tài liệu, số liệu trong cáo trạng để thực hiện việc xét hỏi, bảo vệ và bào chữa cho thân chủ.
Bình luận (0)