Sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 15-11, TAND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với nhóm bảo vệ Công ty Thương mại Cổ phần Long Sơn (Công ty Long Sơn, trụ sở đặt tại Tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức). Đây cũng chính là công ty liên quan đến vụ xả súng làm 3 người chết, 16 người bị thương tại huyện này vừa qua.
Đánh người đến tàn phế
Tám bị cáo gồm: Trần Văn Bốn (SN 1986), Nguyễn Khắc Duy (SN 1994), Trương Thanh Dững (SN 1994), Võ Văn Luân (SN 1990), Trần Thanh Phú (SN 1993), Trần Thanh Phong (SN 1992), Phạm Thanh Long (SN 1988), Trần Văn Trí (SN 1999). Tất cả đều là bảo vệ cho Công ty Long Sơn.
Theo cáo trạng, ông Đào Công Bắc (SN 1986, ngụ tỉnh Bình Phước) có tranh chấp đất đai với anh em ông Trần Văn Thanh (SN 1973), Trần Văn Hanh (SN 1980) và Trần Văn Huỳnh (SN 1985) tại Tiểu khu 1535. Ông Bắc nhờ ông Phạm Đình Phúc (SN 1961, ngụ tỉnh Bình Phước) đi đòi đất và hứa sẽ trả tiền bồi dưỡng. Ngày 22-2-2015, được sự “kết nối” của ông Phúc, ông Bắc nhờ Bốn đòi lại đất giúp mình và hứa sẽ trả công.
Chiều 3-3-2015, các bị cáo trên mang theo hung khí đến rẫy của ông Thanh. Tại đây, cả nhóm xông vào đánh, chém túi bụi những người trong gia đình ông Thanh khiến ông Thanh bị chấn thương sọ não, thương tật vĩnh viễn 90%, ông Huỳnh tổn hại 8% sức khỏe.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Tại phiên tòa, ông Huỳnh cho biết ông Bốn chỉ đạo những người còn lại chặt điều, đốt nhà mình. Bị cáo Long liên tục khiêu khích em ông Huỳnh đánh nhau nhưng các ông bỏ về thì bị cả nhóm vây lại. “Sau đó, có một tốp nữa đến, tổng cộng hơn 10 người chứ không phải chỉ có 8 bị cáo ở đây đuổi đánh chúng tôi. Riêng đối tượng Đức, ông Huỳnh cho rằng có lai lịch rõ ràng, là em họ của ông Bắc, có đất trong khu vực nhưng không hiểu sao cơ quan điều tra kết luận chưa rõ lai lịch” - ông Huỳnh nói tại tòa.
Trao đổi với phóng viên sau phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng quá trình xét hỏi đã làm rõ được vai trò của ông Đào Công Bắc, ông Phạm Đình Phúc và đối tượng Đức. Việc không khởi tố những người này là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Luật sư Quynh phân tích: Theo lời khai của các bị cáo cho thấy ông Bắc là người đề nghị nhóm của Bốn đến rẫy của ông Thanh để đòi đất với hứa hẹn sẽ trả công. Còn ông Phúc là người đứng giữa giúp ông Bắc gặp mặt nhóm của Bốn và cũng góp lời để thuyết phục nhóm Bốn đi đòi đất. Giữa ông Bắc và nhóm bị cáo Bốn đã gặp nhau, bàn bạc, thỏa thuận từ trước về nội dung công việc phải làm và lợi ích được hưởng. Đặc biệt tại phiên tòa, bị cáo Bốn khai nhận ông Bắc nói: “Nếu đến đó, bọn nó láo thì đánh cho một trận”. Đây là hành vi đồng phạm với vai trò là chủ mưu nên cần được khởi tố.
Dự kiến phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 16-11.
Đề nghị xem xét, khởi tố Công ty Long Sơn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết tại cuộc họp mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã chỉ đạo UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công an điều tra xem xét khởi tố hành vi hủy hoại tài sản của Công ty Long Sơn khi ủi đất, hoa màu trái phép trong vụ xả súng làm 3 người chết, 16 người bị thương vào ngày 23-10.
“Vấn đề này đang được Bộ Công an thụ lý nên UBND tỉnh đã thống nhất cung cấp tài liệu liên quan để Bộ Công an điều tra, nếu có dấu hiệu hủy hoại tài sản thì sẽ khởi tố” - ông Lộc nói.
Bình luận (0)