Ngày 8-4, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phiên tòa xét xử với phiên tranh tụng giữa đại diện Viện KSDN tỉnh và các luật sư bào chữa.
Đại diện Viện KSND khẳng định không thay đổi theo cáo trạng đã truy tố, giữ nguyên quan điểm đối với việc đề xuất hình phạt đối với các bị cáo. Đến cuối giờ chiều, các bị cáo đã được HĐXX cho phép nói lời nói sau cùng trước khi nghị án.
Bài học xương máu
Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng phiên tòa đã diễn ra dân chủ, công khai. Bị cáo nhận thức một cách rõ ràng hơn và tự tìm ra câu trả lời cho những sai phạm của mình để có được sự thành tâm, nhìn nhận sai phạm.
Bị cáo mong HĐXX xem xét thấu đáo các ý kiến bào chữa của các luật sư, có đánh giá một cách công tâm và quyết định mức hình phạt khoan hồng đối với bị cáo và các bị cáo khác.
Ông Nguyễn Chiến Thắng nói lời nói sau cùng tại phiên tòa chiều 8-4
Bản thân bị cáo Thắng mong HĐXX ghi nhận khi đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa trong bối cảnh kinh tế - xã hội tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Bị cáo cảm nhận được nhiều thách thức đồng nghĩa gánh chịu nhiều rủi ro. Tuy nhiên, liên quan dự án này, cá nhân bị cáo, tập thể thường trực UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2011-2015, thực sự mong muốn, tâm huyết dành nhiều thời gian với mục tiêu tốt đẹp, hoàn toàn không xuất phát từ động cơ vụ lợi cá nhân.
Bị cáo Thắng cho rằng mình cảm thấy đau đơn, xót xa, nhất là khi các bị cáo xuất thân từ gia đình cán bộ cách mạng, có kiến thức, kinh nghiệm quản lý, đóng góp nhất định với Khánh Hòa nay phải đứng trước HĐXX. Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét các nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, những bất cập trong các quyết định về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa theo kịp thực tiễn.
Bị cáo Thắng cho rằng vụ án này là bài học xương máu, là lời cảnh tỉnh cho các lãnh đạo kế tiếp trong việc nhận thức, áp dụng pháp luật để không xảy ra các vụ việc tương tự. Bị cáo Thắng nói lời xin lỗi Đảng và Nhà nước, nhân dân về lầm lỗi của bị cáo. Xin lỗi vợ, con khi không hoàn thành trách nhiệm làm chồng, làm cha.
Bị cáo Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết ông đã có thiếu sót, vi phạm và cảm thấy thật sự day dứt, đau buồn, suy nghĩ rất nhiều về lỗi lầm của mình.
"Đây là lỗi lầm của tôi mà lẽ ra nếu sáng suốt trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ tốt hơn, không để như tình trạng hôm này. Tôi nghĩ rằng quá trình công tác đã làm hết mình nhưng để xảy ra sai phạm thiếu sót, tôi cảm thấy có lỗi trước Đảng, Nhà nước, nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Tôi mong muốn những đồng nghiệp sau này sẽ tránh đi lỗi lầm như thế để làm sao Khánh Hòa tốt hơn, mọi người tốt đẹp hơn"- bị cáo Vinh nói.
Bị cáo Lê Đức Vinh khi được nói lời sau cùng trước khi phiên tòa nghị án
Bị cáo Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, mong muốn đồng nghiệp lấy đây là bài học để điều hành với cương vị của mỗi công chức, viên chức đã được Đảng và Nhà nước giao phó. Phải kiên quyết thực hiện nghiêm luật công chức viên chức. Đối với cấp trên, nếu phát hiện những gì sai trái thì quyết không làm. Đây là vụ án liên quan đến công chức nhà nước mà các bị cáo là thủ trưởng, đồng nghiệp hết sức xót xa.
Nức nở tại phiên tòa
Bị cáo Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, xúc động, rơi nước mắt nhiều lần tại phiên tòa. Bị cáo Thiên cho biết trong gần 11 tháng tạm giam đã dằn vặt, cảm thấy số phận bi thảm, khổ đau.
Bị cáo tự động viên bản thân vì còn có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp các thầy cô giáo… đồng cảm chia sẻ bị cáo. Từ giai đoạn bị can, đến khi nhận cáo trạng, được điều tra viên, kiểm soát, luật sư, đã nhận được thông tin, tài liệu thấy rõ được hành vi sai trái.
Bị cáo Đào Công Thiên nhiều lần nức nở tại phiên tòa khi nói lời sau cùng
Các bị cáo đều tỏ ra đau đớn và cho rằng đây là bài học xương máu trong việc quản lý nhà nước
Bị cáo Thiên cho rằng mình đang bị bệnh nền, bệnh ung thư, chỉ còn 13% sức khỏe nên mong HĐXX chiếu cố sức khỏe, công sức của bị cáo để sớm hòa nhập cộng đồng, chữa bệnh. Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin yêu giao nhiệm vụ mà bị cáo không hoàn thành nhiệm vụ. Bị cáo xin lỗi vợ con, anh chị em vì bị cáo mà đau khổ, buồn phiền. Bị cáo tin tưởng, hi vọng lãnh đạo sau này rút ra bài học kinh nghiệm và có bước đi vững hơn, đưa Khánh Hòa sớm trở thành tỉnh giàu mạnh.
Bị cáo Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở TN-MT, bị cáo Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai - Sở TN-MT, cũng hết sức xúc động, rơi nước mắt tại phiên tòa vì đau xót trước sai phạm của mình. "Bị cáo bị ra khỏi Đảng khi tròn 40 năm tuổi Đảng, đây là điều xót xa nhất"- bị cáo Điệp vừa nói vừa bật khóc.
Thay mặt bị cáo Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở TN-MT, vị luật sư bào chữa cũng sụt sùi vì bệnh tình ông Thái rất nặng. Bị cáo Thái gửi lời xin lỗi cuối cùng vì có thể ra đi vĩnh viễn.
Đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị HĐXX tuyên phạt 7 bị cáo phạm tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo quy định tại khoản 3 Điều 229 BLHS và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bị đề nghị phạt 6-7 năm tù. Bị cáo Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh và bị cáo Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mỗi bị cáo bị đề nghị 5-6 năm tù.
VKS đề nghị phạt các bị cáo Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở TN-MT; Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở TN-MT; Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, mỗi bị cáo 4-5 năm tù. Bị cáo Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai-Sở TN-MT, bị đề nghị phạt 3-4 năm tù.
Bình luận (0)