Liên tục những vụ gây rối, xô xát dẫn tới gây thương tích thậm chí xảy ra án mạng gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một thứ "phản xạ" đầy tính bốc đồng, manh động.
Hành xử bằng bạo lực
Hồi tháng 6-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt khẩn cấp 10 nghi phạm trong án mạng xôn xao TP Biên Hòa. Bước đầu điều tra, công an xác định nhóm đối tượng do Châu Tuấn Kiệt cầm đầu có mâu thuẫn với nhóm của Phan Lê Thanh Sang (đều ngụ TP Biên Hòa). Nhóm Kiệt mang theo hung khí và 2 khẩu súng bắn đạn hoa cải đến khu vực phường Quang Vinh tìm gặp đối thủ. Phía đối phương cũng cầm súng tới điểm hẹn. Hai bên gặp nhau ở khu vực công viên và hỗn chiến. Sang bị trúng đạn, khi chạy đến đoạn đường Nguyễn Ái Quốc (phường Tân Tiến) thì ngã xuống đường, tử vong.
Tại TP Thủ Đức đêm 13-6, Huỳnh Minh Nhựt (quê Sóc Trăng) và Phan Thanh Nghị (ngụ TP Thủ Đức) đi massage tại một cơ sở trên phường Cát Lái thì xảy ra xích mích với nhân viên của quán. Đến sáng 14-6, hai nhóm hẹn nhau nói chuyện thì xảy ra va chạm giữa ô tô Mercedes do Nguyễn Văn Vịnh (người của nhóm bên kia) điều khiển và xe tải do Phan Thanh Nghị cầm lái. Hỗn chiến xảy ra sau đó khiến 2 người bị thương phải đi cấp cứu. Ngoài ra, ô tô của Nguyễn Văn Vịnh cũng bị hư hỏng.
Từ chuyện cãi vã trong tiệm massage tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, đã có nhiều người bị thương vì hỗn chiến sau đó. Ảnh: NGUYỄN NGUYÊN
Còn tại Hải Phòng, hơn 20 giờ ngày 18-7, Trần Cao C. đi xe máy chở bạn và có động tác tạt đầu xe máy của Nguyễn Đại Quang (quận Ngô Quyền) tại ngã tư chân cầu vượt Lạch Tray. Quang lập tức rồ ga đuổi theo. Sau cãi nhau rồi tới đánh nhau, Quang đã dùng dao tấn công khiến C. thiệt mạng.
Gần đây, khoảng 21 giờ ngày 25-7, Công an huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) phối hợp với Công an xã Hàm Kiệm kịp ngăn một vụ hỗn chiến kinh hoàng ở xã này. Tại hiện trường, hơn 30 đối tượng mang theo nhiều hung khí như: dao phóng lợn, đao, kiếm, bom xăng tự chế… chuẩn bị lao vào ẩu đả vì mâu thuẫn nhỏ trước đó.
Cũng trong ngày 25-7, tại Bình Dương, có 2 cha con đứng cãi nhau trên Quốc lộ 1 đoạn ngã tư Bình Đường (thuộc phường An Bình, TP Dĩ An). Thấy xe máy người cha để chắn lối tiệm rửa xe nên người chủ nói nhân viên dắt đi chỗ khác. Nhân viên vừa dắt xe thì người con đi tới cự nự nên anh này để lại chỗ cũ. Tưởng xong chuyện, ngờ đâu một lúc sau nam thanh niên kia quay lại, bất ngờ rút dao sát hại nhân viên khi anh này đang rửa ô tô cho khách.
Trong các vụ việc trên, những đối tượng gây án đa phần có tuổi đời còn trẻ, thậm chí có người vừa qua tuổi thiếu niên.
Lời giải cho hiện tượng manh động
Theo chuyên gia tâm lý Bùi Quang Minh Nhật, những vụ việc vì mâu thuẫn nhỏ mà sẵn sàng ứng xử bằng hành vi côn đồ cho thấy khả năng quản lý cảm xúc thực sự không tốt của cá nhân sẽ dẫn đến việc không kiểm soát được hành vi và gây hậu quả đáng tiếc. Nó cũng cho thấy dường như giá trị về thân thể, tính mạng con người đang dần bị xem nhẹ.
Chuyên gia này cho rằng sự hình thành nhân cách của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bẩm sinh, gia đình, xã hội…, trong đó 2 yếu tố gia đình, nhà trường là tiền đề định hình chuẩn mực đạo đức và hành vi. Tuy nhiên, khi càng lớn, những tác động từ môi trường sống, những mối quan hệ, các thông tin tiếp xúc hằng ngày lại đóng vai trò quan trọng. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy một đứa trẻ mê game bạo lực cũng sẽ có xu hướng bắt chước hành vi bạo lực. Hay những cá nhân sống trong môi trường thường xuyên chứng kiến bạo hành, được khuyến khích hành vi gây hấn thì rất dễ xem việc tấn công người khác là điều bình thường. Để ngăn ngừa cách hành xử thiếu kiềm chế thì ít nhất cần loại bỏ những tác nhân xấu trên.
"Bên cạnh đó, những chế tài của pháp luật về hành vi hành hung, tấn công người khác phải đủ sức răn đe cho toàn xã hội. Quan trọng nhất là sự tự giáo dục, tu dưỡng của mỗi cá nhân, đừng đỗ lỗi cho hoàn cảnh mà hãy cố gắng rèn luyện đạo đức cá nhân để xây dựng một xã hội tốt đẹp" - ông Bùi Quang Minh Nhật nêu giải pháp.
Đồng quan điểm, ThS tâm lý Đặng Hoàng An (nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM), nói thêm rằng việc sử dụng bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà cả tinh thần cho chính những người trong cuộc. Những người cá tính mạnh hay những bạn trẻ đang trong quá trình hình thành, phát triển nhân cách và chưa có nhiều kinh nghiệm sống rất dễ rơi vào những "bẫy cảm xúc" tiêu cực, họ không tự vượt qua được cái tôi, các đả kích từ đám đông. Khi lời nói không thuận tai thì hành động sẽ diễn ra ngay, chưa kể những dồn nén lâu ngày của họ trước đó dẫn đến hiện tượng "di chuyển cảm xúc".
"Khi xảy ra chuyện không hài lòng, tuyệt đối không được khích bác nhau mà nên giải quyết trên tinh thần ôn hòa, xây dựng. Trong một số trường hợp cần sự can thiệp kịp thời từ cơ quan chức năng" - ThS Đặng Hoàng An nói. Ông cũng cho rằng cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa những nội dung mang tính bạo lực xuất hiện đầy rẫy trên các nền tảng mạng xã hội.
Giá không "ngựa non háu đá"
Ông Hà Văn Huyên, người có hơn 20 năm công tác tại trại giam Nam Hà (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an), cho biết khi ông làm quản giáo, phải quản lý các phạm nhân với những tội danh khác nhau. Trong số này, những phạm nhân mang án gây rối trật tự, cố ý gây thương tích, giết người thường có đời sống tinh thần phức tạp. Ngoài một số ít thể hiện sự bất cần, số còn lại thường day dứt bởi những hành vi nông nổi ngoài xã hội khiến họ phải trả giá bằng những tháng ngày "cơm cân, áo số".
"Có những anh chị sẹo chằng chịt, xăm trổ kín mình nhưng khóc ngon lành trước mặt tôi. Đa số câu chuyện những phạm nhân ấy tâm sự là đều vì nóng giận do rượu, thiếu kiềm chế bởi lời xúc phạm hoặc đua đòi "lấy số" mà bị bắt. Thấy họ bày tỏ nỗi hối hận, thương gia đình và tiếc cho tương lai chính mình, tôi thường đưa ra những lời khuyên để có thể lay động phần hướng thiện trong họ" - ông Huyên kể. Ông cho biết khi hết án, nhiều người quay lại cảm ơn và khoe "thầy ơi, em hết ngựa non háu đá, giờ tu chí lắm rồi" làm ông thấy... hơi tiếc vì nếu ngay từ đầu không "ngựa non háu đá" thì tốt hơn biết bao nhiêu.
T.Anh
Bình luận (0)