Tại phiên xét hỏi 4 bị cáo nguyên là cán bộ Công an xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng nay 8-5, một tình tiết bất ngờ đã xảy ra khi chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Lê Thị Hợp đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra vụ án. Cả 4 bị cáo lần lượt cho biết trong quá trình cơ quan điều tra lấy lời khai không lần nào có sự hiện diện của luật sư bào chữa cho quyền lợi của mình.
Theo bà Lê Thị Hợp, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và cả 4 bị cáo đều bị truy tố về tội Giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Chính vì thế, bắt buộc trong suốt quá trình điều tra, lấy lời khai phải có ít nhất một lần có luật sư đại diện cho quyền lợi của các bị cáo tham dự, chứng kiến để đảm bảo tính khách quan. Mặc dù hồ sơ, tài liệu cơ quan điều tra cung cấp đều có chữ ký của luật sư tại một bản khai nhưng tại tòa cả 4 bị cáo đều khẳng định và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không hề có một luật sư nào đại diện quyền lợi hợp pháp cho mình được mời tham dự.
Sau khi hội đồng xét xử hội ý, bà Lê Thị Hợp đã kết luận: với lời khai của 4 bị cáo đã đủ cơ sở cho thấy quá trình điều tra vụ án này đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự. Chính vì thế, hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ điều tra lại để đảm bảo công bằng, khách quan cho các bị cáo.
Trao đổi với báo chí sau phiên tòa, luật sư Lê Đình Sen (Đoàn luật sư Hà Nội), đại diện cho gia đình bị hại, cho rằng cần phải làm rõ việc bản cung lấy lời khai của các bị cáo đều có chữ ký của luật sư. “Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với các tội nghiêm trọng thì bắt buộc phải có sự tham gia của luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị can. Nếu gia đình bị cáo không mời luật sư thì để đảm bảo khách quan, cơ quan điều tra phải chỉ định luật sư bảo vệ cho các bị can ngay từ đầu. Đây là vụ án rất nghiêm trọng nhưng lại vi phạm quy định này thì những cán bộ điều tra phải chịu trách nhiệm kỷ luật” - ông Sen nói.
Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự
Lựa chọn và thay đổi người bào chữa
1. Người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn.
2. Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình:
a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự;
b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.
3. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình.
Trước đó, sáng nay (8-5), TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử đối với các bị cáo nguyên là cán bộ Công an xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) về tội Giết người (có tính chất côn đồ) với khung hình phạt từ 12 năm tù tới tử hình. Luật sư đề nghị khởi tố thêm Trưởng Công an xã Kim Nỗ.
Theo thông báo của Thẩm phán Lê Thị Hợp (TAND TP Hà Nội), phiên tòa xử 4 công an dùng nhục hình sẽ kéo dài trong 2 ngày (ngày 8 và 9-5)
Hình phạt tăng nặng dần
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội cho biết ngày 30-8-2012, ông Nguyễn Đức Vọng, Trưởng Công an xã Kim Nỗ, đã chỉ đạo một số công an viên đưa ông Nguyễn Mậu Thuận (thôn Đoài, xã Kim Nỗ) về trụ sở để xác minh việc ông này gây ra thương tích cho một người dân cùng thôn. Khi bị ông Thuận chửi bới tại trụ sở, ông Vọng đã chỉ đạo trói tay ông Thuận vào ghế ngồi. Sau đó tới lượt Hoàng Ngọc Tuyên, Phó trưởng Công an xã Kim Nỗ và 3 công an viên khác là Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991), Đoàn Văn Tuyến (SN 1983), Hoàng Ngọc Thức (SN 1988) cùng nhau tra hỏi, đánh đập ông Thuận để lấy lời khai.
Sau khi tát ông Thuận 2 cái vào mặt, Tuyên đã cầm dùi cui mà Nguyễn Trọng Kiên đưa cho vụt mạnh vào 2 bên đùi ông Thuận nhiều lần. Vừa vụt, Kiên vừa hỏi: “Có đau không?”. Nguyễn Trọng Kiên cũng dùng chuôi dùi cui thúc mạnh vào ngực ông Thuận làm ông Thuận ngã bật ngửa ra phía sau.
Sau khi thấy ghế ông Thuận ngồi bị gãy, Tuyên bảo Tuyến lấy một chiếc ghế gỗ khác thay vào và Tuyến, Kiên, Thức tiếp tục khóa 2 chân, 2 tay ông Thuận vào ghế. Tiếp đó, Tuyên và Kiên vừa hỏi vừa dùng dùi cui đánh mạnh vào hai bên đùi ông Thuận; dùng bút bi kẹp vào khe các ngón tay của ông Thuận bóp mạnh. Đến 16 giờ cùng ngày, ông Thuận đã ở tình trạng bất tỉnh, cơ thể không còn hơi ấm và không đo được các chỉ số sinh tồn (nhịp tim, huyết áp). Ông Thuận tử vong sau đó tại Bệnh viện huyện Đông Anh do thương tích quá nặng.
Sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên sau khi nghiên cứu vụ việc, VKSND huyện Đông Anh đã chuyển hồ sơ vụ án tới Phòng cảnh sát điều tra (PC45) - Công an TP Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền.
Hoàn tất điều tra, PC45 Hà Nội đã quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trước đó từ tội “Cố ý gây thương tích” sang tội “Giết người” theo Điều 93 Bộ luật Hình sự. Theo kết luận của PC45, cả 4 bị can trên đều phạm tội “Giết người” quy định tại khoản 2 điều 93 Bộ luật Hình sự (phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 93 và có khung hình phạt tù từ 7-15 năm).
Tuy nhiên, cáo trạng của VKSND TP Hà Nội đã quyết định truy tố ra trước TAND TP Hà Nội đối với 4 bị can này về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 93 khoản 1 điểm n (có tính chất côn đồ) với khung hình phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Sẽ đề nghị khởi tố trưởng công an xã
Trao đổi với báo chí sau thời điểm xảy ra vụ việc, ông Hoàng Ngọc Vui, Phó trưởng Công an xã Kim Nỗ (hiện nay là trưởng công an xã - PV) cho biết gậy cao su, còng số 8 và dùi cui điện của đơn vị này chỉ được sử dụng với các đối tượng phạm tội nguy hiểm hoặc phải bắt khẩn cấp.
Tuy nhiên, theo những người thân của nạn nhân, thời điểm Công an xã Kim Nỗ mời ông Nguyễn Mậu Thuận lên làm việc, khóa trái tay chân và dùng nhục hình không hề có một giấy mời, giấy triệu tập, tạm giữ nào.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 7-5, luật sư Nguyễn Kim Dung, nguyên Kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội (bào chữa cho gia đình bị hại) khẳng định sẽ đề nghị VKSND Hà Nội và TAND TP Hà Nội khởi tố ngay tại tòa đối với ông Nguyễn Đức Vọng, nguyên Trưởng công an xã Kim Nỗ, để đảm bảo đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm.
Bình luận (0)