Ngày 8-1, TAND TP HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án tiêu cực xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đối với ông Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Sacombank), Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và 44 đồng phạm khác về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Phải triệu tập ông Trần Bắc Hà
Kết thúc phần thủ tục vào cuối ngày 8-1, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban Rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) vẫn không có mặt theo triệu tập của TAND TP HCM.
Đại diện VKSND TP HCM yêu cầu HĐXX phải triệu tập bằng được ông Trần Bắc Hà, ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang (công tác tại BIDV) và một số nhân vật quan trọng khác để công tác xét hỏi, tranh luận được diễn ra một cách khách quan, công bằng.
Trong số những đại gia vắng mặt có bà Hứa Thị Phấn (cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín - TrustBank), ông Trần Quí Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cùng nhiều người khác.Tuy nhiên, những người này có cử đại diện tham gia tố tụng tại tòa. Bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Trần Quí Thanh), bà Vũ Bạch Yến - Chủ tịch HĐQT VNCB - cùng nhiều người khác tại VNCB, TPBank, Sacombank, BIDV cùng một số ngân hàng, doanh nghiệp khác có mặt theo triệu tập của tòa án.
Bị cáo Trầm Bê
Tại phiên xử, các ông: Phạm Công Danh, Trầm Bê, Nguyễn Việt Hà (Giám đốc Công ty Quỹ Lộc Việt) đều yêu cầu được hỗ trợ y tế. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản cho biết rất nhiều bị cáo muốn xin hỗ trợ y tế, tuy nhiên HĐXX chỉ xem xét hỗ trợ những trường hợp đặc biệt.
Kết thúc phần thủ tục, HĐXX lưu ý một số vấn đề: Chấp nhận cho luật sư được phép sử dụng tài liệu, chứng cứ của phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm ở giai đoạn 1. HĐXX lưu ý những tài liệu đóng dấu mật, tuyệt mật theo quy định của Chính phủ nếu luật sư khai thác vi phạm sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Để bảo đảm cho HĐXX xét xử có cách nhìn toàn diện, khách quan, HĐXX đề nghị luật sư nộp bài bào chữa trước. Những luật sư bị trùng lịch xét xử phiên tòa ông Đinh La Thăng sẽ được ưu tiên xét hỏi, tranh luận trước và linh hoạt. Các bị cáo đang bị tạm giam được phép gặp luật sư. Phiên tòa làm việc xuyên suốt từ thứ hai đến hết thứ bảy trong tuần nhưng nếu cần thiết thì xử luôn ngày chủ nhật. Đúng 8 giờ hôm nay (9-1), đại diện VKSND TP HCM sẽ công bố cáo trạng của VKSND Tối cao.
Hơn trăm người trợ giúp
Đối với 6 bị cáo là giám đốc các công ty của Phạm Công Danh khai nhận đều được nhờ đứng tên làm giám đốc công ty. Thực tế, những người này không có vốn góp thành lập công ty, không quản lý con dấu và sổ sách của công ty. Sáu người này ký các hồ sơ, thủ tục, chứng từ đứng tên công ty do mình làm giám đốc để vay tiền của Sacombank, chuyển toàn bộ số tiền vay được cho Phạm Công Danh để ông Danh sử dụng, những người này không được sử dụng tiền vay.
Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn giải đến tòa
Sáu người này khai được Phạm Công Danh trả lương hằng tháng, tùy thời điểm, từ 5-10 triệu đồng, hưởng lợi thấp nhất 150 triệu đồng và cao nhất là 410 triệu đồng. Nhóm này xác định không có tiền khắc phục hậu quả và chịu trách nhiệm cùng với Phạm Công Danh về khoản vay của mình theo quy định của pháp luật. Ngoài ra còn có 13 người khác là bảo vệ, nhân viên bán hàng, lái xe… là những người dưới quyền hoặc người thân của Phạm Công Danh và được nhờ đứng tên làm giám đốc, trả lương từ 5-10 triệu đồng. Những người này không điều hành, không quản lý và công ty cũng không hoạt động kinh doanh. Nhóm các bị cáo được Danh thuê chỉ có nhiệm vụ ký hồ sơ, chứng từ đã được lập sẵn và do nhân viên Tổ Tài chính đưa cho, không biết gì về nội dung mình ký cũng như không được sử dụng tiền.
Hành vi của 19 bị cáo được thuê làm giám đốc đã giúp sức cho Phạm Công Danh và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội cho nên phải liên đới về hậu quả do hành vi của mình gây ra tại công ty họ làm giám đốc. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Cường (nguyên Giám đốc Công ty Cường Tín) chịu trách nhiệm liên đới thấp nhất là 120,5 tỉ đồng, bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (nguyên Giám đốc Công ty Hương Việt) phải chịu trách nhiệm liên đới với số tiền cao nhất là 1.116 tỉ đồng…
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác định được có 140 người liên quan đến việc thực hiện hành vi phạm tội của Phạm Công Danh và các đồng phạm. Hành vi của họ được nêu trong kết luận điều tra và trong bản cáo trạng của VKSND Tối cao. Với tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Điều tra đánh giá hành vi của 140 người có liên quan đó không cấu thành tội phạm và đề nghị cơ quan quản lý tiến hành xử lý hành chính hoặc kỷ luật nghiêm khắc. Để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện đầy đủ, không để oan sai và tránh bỏ lọt tội phạm, VKSND Tối cao đề nghị HĐXX và đại diện VKSND TP HCM tiếp tục điều tra công khai tại tòa để làm rõ hành vi vi phạm, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân trong 140 người này.
Do kết luận giám định xác định thiệt hại thuộc về VNCB nên trong quá trình điều tra, VKSND Tối cao đã có yêu cầu về việc thu hồi số tiền 6.126,8 tỉ đồng cho VNCB để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, Bộ Công an chưa thực hiện. Do đó, VKSND Tối cao đề nghị HĐXX và VKS tiếp tục điều tra công khai tại phiên tòa để xác định các khoản tiền phải thu hồi do hành vi làm trái của các bị can và người có liên quan gây ra, cùng trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục phong tỏa, kê biên tài sản
Về vật chứng của vụ án, 2 căn nhà mặt tiền của ông Trầm Bê ở quận 6 và quận 5 đã được kê biên. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị phong tỏa 4 tài khoản của Quỹ Lộc Việt mở tại BIDV Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa với số tiền hiện tại là hơn 33 tỉ đồng; phong tỏa 16.000 cổ phần của Quỹ Lộc Việt tại Công ty CP Đất May Mắn. Toàn bộ số tài sản này tiếp tục phong tỏa để phục vụ công tác thu hồi tài sản của vụ án.
Bình luận (0)