Một vụ mua bán dâm bị bắt quả tang tại quận 1 - TPHCM. Ảnh: QUÝ LÂM
Phóng viên: Thưa ông, theo Nghị quyết 24/2012 (NQ 24) của Quốc hội, có hiệu lực từ 1-7 năm nay, người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính, không áp dụng các biện pháp giáo dục tại địa phương hay đưa vào cơ sở chữa bệnh. Vậy TPHCM thực hiện như thế nào?
- Ông Nguyễn Văn Minh: Sáu tháng đầu năm 2012, TPHCM đã đưa thêm 60 người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh; sau khi NQ 24 có hiệu lực, công việc này cũng chấm dứt. Hiện có tổng cộng 80 người đang được quản lý tại Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội Phú Nghĩa (đặt tại tỉnh Bình Phước), Sở LĐ-TB-XH đã trình UBND TPHCM xem xét sớm giải quyết cho họ trở về hòa nhập cộng đồng. Như vậy, toàn bộ gái mại dâm sẽ được trả về cộng đồng, không bị cưỡng chế “chữa bệnh” tập trung nữa.
Thưa ông, vậy những người bán dâm sẽ được quản lý như thế nào?
Là người gắn bó nhiều năm với công tác phòng chống tệ nạn xã hội, ông nhận định thế nào về diễn biến của tình trạng mại dâm tới đây, khi biện pháp răn đe mạnh tay nhất đã không còn được áp dụng?
- Tôi nghĩ tới đây, tình trạng mại dâm chắc chắn sẽ nhiều và phức tạp hơn. Hiện giờ chưa có chủ trương cụ thể từ Chính phủ, bộ, ngành nên chúng tôi tạm thời đưa ra một số giải pháp phù hợp với tính chất đặc thù của địa phương. Với người bán dâm, chúng tôi tư vấn, vận động nhưng họ có bỏ “nghề” hay không là dựa vào sự tự nguyện, tự giác của họ. Những cô gái mại dâm đã nhiễm HIV, chúng tôi sẽ tư vấn về tình dục an toàn và phát bao cao su cho họ để tránh lây lan nếu họ tiếp tục hành nghề. Thực sự mà nói, phạt 300.000 đồng, 500.000 đồng hay 1 triệu đồng cũng không ăn thua gì đâu, bởi vì tiền bán dâm họ kiếm được chắc chắn nhiều hơn số tiền bị phạt hành chính.
Trước mắt, việc cần làm là tập trung ngăn chặn, xử lý thật nghiêm, thật nặng theo Luật Hình sự đối với người môi giới, buôn bán, tổ chức bán dâm. Với người bán dâm, quan điểm của chúng ta là tinh thần nhân đạo, xem họ là nạn nhân, là đối tượng bị lợi dụng. Chúng ta không cho tồn tại hoạt động mại dâm nhưng cấm thì không quyết liệt, hiệu quả. Do vậy mà đổ bao công sức đấu tranh, phòng chống vẫn không dẹp được.
Đơn vị nào của sở sẽ đảm nhận công tác phòng chống mại dâm trong tình hình mới?
- Chúng tôi đang tính đến việc thành lập “Trung tâm công tác xã hội” để tiếp cận với gái bán dâm; đây cũng là nơi tạm lưu trú cho người bán dâm trong quá trình tiếp tục tư vấn, hỗ trợ. Ý tưởng này sở đang soạn để trình UBND TPHCM. Tài liệu tuyên truyền cũng đã giao cho Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội in ấn, phát hành. Tuyên truyền sẽ là biện pháp trọng tâm, quan trọng nhất trong thời gian tới.
Thưa ông, với những khó khăn được tiên lượng, liệu TPHCM có kiến nghị giải pháp nào khả thi hơn?
- Chúng ta phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Vấn đề này còn mới, có kiến nghị gì thì cũng chưa được chấp nhận đâu.
Rà soát các tụ điểm nhạy cảm Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng TPHCM đã triệt phá 81 vụ bán dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, truy quét hơn 3.300 tụ điểm mại dâm công cộng, bắt giữ 567 người. Tại hội nghị giao ban 9 tháng đầu năm về phòng chống tệ nạn xã hội, ngày 10-10, ông Nguyễn Văn Minh chỉ đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội và các địa phương bố trí lực lượng tăng tần suất kiểm tra các điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trong 3 tháng cuối năm 2012. |
Bình luận (0)