Chiều nay 27-12, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội, và Nguyễn Văn Tứ, nguyên chánh văn phòng Thành ủy, nguyên giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP Hà Nội, cùng 5 bị cáo khác bước vào phần xét hỏi.
Đầu giờ chiều nay, trước khi xét hỏi các bị cáo, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã cho cách ly đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung.
Bị cáo Nguyễn Văn Tứ được dẫn giải tới phiên toà
Là người đầu tiên bị thẩm vấn, nói về việc dừng thầu, bị cáo Nguyễn Văn Tứ khai việc này là không đúng luật nhưng không nghĩ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bởi lẽ, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt dừng thầu để đưa công nghệ mới vào. "Nếu biết dừng thầu gây hậu quả như cáo trạng quy kết thì chúng tôi không bao giờ dừng"- ông Tứ khẳng định.
Theo nguyên giám đốc Sở KH-ĐT, sau khi UBND TP có văn bản đồng ý tiếp tục tổ chức đấu thầu lại, chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở KH-ĐT làm việc với Công ty Nhật Cường để nghe Công ty này báo cáo về công nghệ số hóa của Nga. Việc này công ty đã làm miễn phí.
Sau buổi làm việc đó, bị cáo đã làm văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc Công ty Nhật Cường xin làm thí điểm về công nghệ số hoá. Thời điểm này, Công ty Nhật Cường mới làm được công nghệ số hóa song chưa đính được tài liệu lên phần mềm cơ sở dữ liệu Quốc gia.
"Từ lúc tôi làm giám đốc Sở KH-ĐT đến thời gian thí điểm, không có bất cứ người nào tiếp xúc, trao đổi với tôi. Tôi chỉ nhận được sự chỉ đạo từ Chủ tịch UBND TP Hà Nội" - bị cáo Tứ trình bày.
HĐXX truy hỏi: Sau khi trúng thầu có ai biếu tiền không? Bị cáo khai, trước tết nguyên đán 2017, Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Nhật Cường) có điện thoại đến cho bị cáo để chúc tết. "Huy có đến phòng bị cáo, nói năm nay làm ăn được, trong đó có trúng gói thầu, có quà biếu. Tôi có nói vấn đề % không nhận, Sở không có yêu cầu gì về % chỉ yêu cầu nhà thầu làm tốt. Huy nói đây là quà biếu tết, không liên quan đến % nên tôi nhận"- bị cáo Tứ nói và cho biết sau này xem lại túi quà trong đó có 300 triệu đồng và 1 chai rượu.
Cũng theo nguyên giám đốc sở KH-ĐT, do truyền thống của Việt Nam, Nhật Cường là doanh nghiệp lớn, có thành tích trong kinh doanh nên đến chúc tết. "Sau khi khởi tố vụ án thì tôi cảm thấy Huy không hẳn vô tư như vậy và có thể do trúng thầu mới đến cảm ơn tôi. Sau đó, tôi nhận thấy không nên nhận số tiền đó, nên đã tự giác khai báo trong quá trình điều tra"- bị cáo Tứ trình bày.
HĐXX tiếp tục truy hỏi: Theo bị cáo nhận thức, bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo như vậy là đúng hay sai? Bị cáo này đáp: "Đúng hay sai thì do Viện kiểm sát và HĐXX phán quyết. Còn tôi thấy tôi là cấp dưới, bị cáo Chung là cấp trên; thứ hai, tính cách của bị cáo Chung là người chỉ đạo rất quyết liệt, quyết đoán".
Theo cáo buộc, với gói thầu số hóa năm 2016, ban đầu Sở KH-ĐT Hà Nội phê duyệt kế hoạch tổ chức đấu thầu công khai, kinh phí hơn 42 tỉ đồng. Theo dự kiến, ngày 16-5-2016 sẽ đóng thầu, lúc này có 4 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, không có Nhật Cường.
Tuy nhiên, chiều tối 15-5-2016, chỉ 1 ngày trước khi đóng thầu, do có quen biết, Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Nhật Cường) gửi email cho ông Nguyễn Đức Chung, đề xuất ông Chung chỉ đạo lùi ngày đóng thầu thêm 2 tuần để Huy giới thiệu một công ty tham gia đấu thầu. Sau đó, ông Chung nhiều lần gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ để chỉ đạo việc dừng thầu theo đề xuất của Huy.
Cũng trong năm 2016, Võ Việt Hùng biết Huy quan hệ thân thiết với ông Nguyễn Đức Chung nhưng Nhật Cường không có năng lực triển khai dự án số hóa nên đã mời hợp tác. Huy đồng ý, liên danh Nhật Cường - Đông Kinh được thành lập.
Trong quá trình đấu thầu, Huy và Hùng dùng hồ sơ pháp nhân của một số công ty làm "quân xanh" để nộp hồ sơ dự thầu và bỏ giá thầu, nhằm tạo điều kiện cho liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.
Sau khi ký kết hợp đồng, thay vì để liên danh thực hiện, Bùi Quang Huy chuyển nhượng 100% nội dung công việc cho Công ty Đông Kinh. Được Sở KH-ĐT quyết toán hơn 42 tỉ đồng, Nhật Cường trả cho Đông Kinh 29 tỉ đồng.
Bình luận (0)