Nhiều năm qua, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) phải xin kinh phí từ ngân sách TP để chi trả số tiền điều trị thuốc men, giường bệnh cho các phạm nhân tâm thần. Các cơ quan tố tụng như công an, tòa án, viện kiểm sát nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên sau khi đưa phạm nhân đến bệnh viện thì không chi trả viện phí vì quy định mù mờ từ Nghị định 64/2011/NĐ-CP.
Phó mặc bác sĩ
Theo Nghị định 64/2011/NĐ-CP, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng là một trong 3 đơn vị trên cả nước có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh. Đây là những đối tượng vi phạm pháp luật đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm tiếp nhận các đối tượng này trên địa bàn TP Đà Nẵng, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
Theo bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, phó giám đốc bệnh viện, các bệnh nhân này được chăm sóc y tế, điều trị như những bệnh nhân tâm thần khác. Tuy nhiên, sau khi đưa bệnh nhân đến điều trị thì phần lớn cơ quan tố tụng giao hẳn cho bệnh viện. “Cơ quan tố tụng chỉ theo dõi khi đưa đến giám định. Khi bệnh nhân có quyết định điều trị bắt buộc thì họ không theo dõi nữa. Lúc đó, bệnh nhân sẽ được giao hoàn toàn cho bệnh viện đến khi khỏi bệnh, kể cả chi phí chữa trị” - bác sĩ Ngọc nói.
Bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho biết từ năm 2011 đến nay, nơi đây đã tiếp nhận điều trị cho hàng trăm trường hợp bị bắt buộc chữa bệnh. Trong năm 2014, bệnh viện có 36 trường hợp bị bắt buộc chữa bệnh, tổng kinh phí điều trị là 384 triệu đồng. Số tiền này các cơ quan tố tụng không chi trả nên bệnh viện buộc phải xin kinh phí hỗ trợ từ UBND TP Đà Nẵng. Đây là chi phí để mua sắm thiết bị, phương tiện phục vụ điều trị, thức ăn, thuốc uống…
“Năm 2015, chúng tôi tiếp nhận điều trị 22 trường hợp nhưng chưa thu được viện phí. Chúng tôi vừa gửi công văn đến các cơ quan tố tụng đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đề nghị chi trả chi phí. Nếu không được, chúng tôi lại phải tiếp tục xin kinh phí từ TP Đà Nẵng” - bà Phương nói. Theo bà Phương, nguyên nhân một phần do quy định không rõ ràng, một phần vì bệnh viện còn quá “hiền”, không dứt khoát trong việc thu tiền đối với các cơ quan tố tụng. “Sắp tới, chúng tôi sẽ làm gắt gao hơn, bắt buộc cơ quan tố tụng đưa tội phạm đến chữa bệnh phải trả viện phí” - bà Phương khẳng định.
Quy định không rõ ràng
Bác sĩ Trần Nguyên Ngọc cho biết nguyên nhân khiến bệnh viện không thu được chi phí điều trị cho bệnh nhân bị bắt buộc chữa bệnh là do quy định không rõ ràng. Theo đó, điều 4 trong Nghị định 64/2011/NĐ-CP quy định kinh phí bảo đảm cho thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp. Thế nhưng, quy định này không ghi rõ là cấp cho đơn vị nào và ai sẽ chi trả.
“Các cơ quan tố tụng cho rằng không có quy định nào buộc họ chi trả nên không nộp. Nhiều lần chúng tôi gửi công văn đến các cơ quan tố tụng để đòi tiền, có một số đơn vị nộp nhưng cũng có nơi không” - bác sĩ Ngọc nói.
Theo bác sĩ Ngọc, bệnh viện cũng có quyền từ chối tiếp nhận bệnh nhân do các cơ quan tố tụng đang nợ viện phí đưa đến. Dù vậy, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng chưa từng áp dụng biện pháp này vì trách nhiệm với xã hội. “Họ là những người từng gây án, mình không nhận thì họ sẽ ở trong cộng đồng. Nếu họ gây án tiếp hoặc xảy ra sự cố khác thì lương tâm của người thầy thuốc không cho phép” - bác sĩ Ngọc bộc bạch.
Cần thống nhất đơn vị chi trả
Bác sĩ Trần Nguyên Ngọc cho rằng không thể để tình trạng các cơ quan tố tụng nợ tiền điều trị tại bệnh viện kéo dài. Theo đó, bệnh viện xin tiền hỗ trợ từ chính quyền địa phương chỉ là biện pháp tạm thời. Các bộ có liên quan như Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính cần thống nhất ai là đơn vị chi trả cho đối tượng bị bắt buộc chữa bệnh. Không thể để TP Đà Nẵng mãi chi ngân sách để điều trị miễn phí cho tội phạm các tỉnh khác được. “Đơn vị nào chi trả cũng từ tiền ngân sách nhà nước nhưng cần phải rõ ràng, minh bạch. Riêng Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng thì dù có bị nợ tiền điều trị vẫn luôn tận tâm chữa bệnh cho các bệnh nhân” - bác sĩ Ngọc nói.
Bình luận (0)