Luật sư đề nghị tuyên vô tội
Bào chữa cho bị cáo Phan Cao Trí, luật sư Nguyễn Đăng Trừng và Nguyễn Văn Hiệp cho rằng bị cáo không phạm hai tội bắt, giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Theo đó, trong thời gian quản lý công ty, bị cáo Trí đã đưa ra những quy định, cam kết chặt chẽ (nghỉ việc ngang hoặc làm chưa đủ 6 tháng nghỉ việc phải bồi thường chi phí đào tạo, quần áo, son phấn…, tổng cộng 24 triệu đồng) cũng chỉ với mục đích quản lý tốt nhân viên.
Ngoài ra, hàng năm, bị cáo Trí tổ chức 2-3 đợt tham quan, du lịch; tổ chức sinh nhật cho nhân viên... Do các nhân viên hầu hết ở tỉnh xa, muốn đi lại thuận tiện, họ xin được ăn ở tại công ty và đồng ý thực hiện đúng nội quy. Đó là khu nhà ở bình thường, có máy lạnh, không người canh giữ, nhân viên tự do đi tập thể dục, ăn sáng, uống cà phê… Có những hộ dân ở gần Công ty Tân Hoàng Phát đã xác nhận việc này. Nói tóm lại đó không phải là trại giam trá hình…
Từ những phân tích trên, cả hai luật sư đều cho rằng bị cáo Trí không có dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật cũng như cưỡng đọat tài sản, đề nghị tuyên bị cáo Trí và ba bị cáo Yến, Cường, Hậu không phạm tội, đình chỉ vụ án, trả tự do nếu không phạm tội nào khác.
Tuy nhiên, dù cho rằng các bị cáo không phạm tội nhưng các luật sư cũng cố gắng đưa ra những tình tiết giảm nhẹ để HĐXX xem xét.
Tòa ngồi “nhầm ghế”, VKS bị “bao vây”
Ngay sau khi VKS đối đáp lại với các luật sư và bảo lưu quan điểm của mình, phiên tòa trở nên căng thẳng khi VKS bị “bao vây” bởi hàng loạt câu hỏi của HĐXX chứ không phải của luật sư (bên gỡ tội) đặt ra và tranh luận với VKS (bên buộc tội). Một điều bất thường đối với một phiên tòa khi HĐXX là những người chỉ lắng nghe các bên tranh luận và đưa ra phán xét sau cùng ở phần tuyên án. Sự “can thiệp” của HĐXX khiến không ít người dự khán đặt câu hỏi: Dường như HĐXX đã ngồi nhầm ghế?
Cụ thể có 3 vấn đề HĐXX đặt ra:
Thứ nhất, cấp sơ thẩm và VKS cho rằng có 93 người bị hại. Vấn đề đặt ra là khi công an đến giải thoát có 65 nhân viên bị bắt giữ trái pháp luật, về sau có thêm 29 người đã nghỉ việc (hoặc nghỉ phép trong thời gian cơ quan công an phá án) có đơn tố cáo. Như vậy, tổng cộng là 94 người.
Thứ hai, trong cáo trạng trang 8 cáo trạng xác định có 9 trường hợp có đủ căn cứ quy kết các bị cáo phạm tội nhưng trang 10 cáo trạng lại kết luận các bị cáo tổ chức bắt giữ người trái pháp luật đối với bị hại T.N.T và 65 nhân viên được giải thoát.
Để làm rõ những vấn đề này, HĐXX đã đặt hàng loạt câu hỏi đối với VKS. Xin trích đăng lại một số câu hỏi trả lời giữa VKS và HĐXX:
- Thẩm phán: Trang 8 cáo trạng xác định có 9 người bị hại. Trang 10 cáo trạng kết luận truy tố hành vi bắt giữ người của các bị cáo đối với T.N.T và 65 nhân viên được giải thoát. Như vậy có 66 trường hợp bị bắt giữ và 9 trường hợp bị cưỡng đọat tài sản. 29+65=94, 65+1=66, bài toán đơn giản, học sinh lớp 1 còn làm được, sao lại có sự nhầm lẫn? Có hay không có bị hại N.T.T.T (SN 1982, Vĩnh Long)?
- VKS: Khi cơ quan công an đến giải thoát có 65 nhân viên bị bắt giữ trái pháp luật, thể hiện trong hồ sơ vụ án. Về người bị hại N.T.T.T (SN 1982, Vĩnh Long) tại tòa có nhân chứng xác nhận có người này và trong hồ sơ cũng có biên bản lời khai của người này.
- Chủ tọa: Nếu tòa tuyên các bị cáo vô tội thì đương nhiên truy tố của cáo trạng là không có căn cứ.
- Thẩm phán: Luật sư nói sơ thẩm xử vượt quá thẩm quyền khi cáo trạng truy tố chỉ có 9 người bị hại nhưng sơ thẩm lại quy trách nhiệm hình sự cho các bị cáo đối với 93 người bị hại; trách nhiệm trả lời thuộc về VKS. Luật sư nói chỉ có 9 người bị hại, VKS nói 93 người nhưng cộng lại không khớp (94 người), VKS cũng phải xem lại.
- VKS: Bị cáo kêu oan, trách nhiệm của VKS là phải chứng minh và kết luận. Trường hợp này, VKS bảo lưu quan điểm các bị cáo phạm tội.
Phan Cao Trí “đọc diễn văn” tại tòa
Khi được phép bào chữa bổ sung, bị cáo Trí đã đọc làu làu bài “diễn văn” ca ngợi cái tâm cũng như nỗi oan sai của người làm kinh doanh như Trí. Theo đó, khi quản lý điều hành công ty, bị cáo nhận thức được đây là ngành nghề kinh doanh nhạy cảm nên đã tham khảo một số nơi đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động. Việc công ty đưa ra những cam kết là để quản lý tốt nhân viên, ngăn chặn tệ nạn xảy ra trong công ty.
Bị cáo đã thực hiện nhiều biện pháp để chăm lo sức khỏe, tinh thần cho nhân viên như: tổ chức đi tham quan nghỉ mát, thường xuyên khen thưởng, tổ chức sinh nhật cho nhân viên, giúp đỡ nhân viên có hoàn cảnh khó khăn như “tặng nhà, tặng tiền, tặng vàng” cho họ.
Hằng năm, các cấp các ngành đã đến kiểm tra liên tục công ty bị cáo, trung bình 7 lần/năm, nhưng chưa bao giờ phát hiện công ty có sai phạm. Thời gian sau này, bị cáo chỉ góp vốn, không tham gia điều hành vì bận tập trung làm nhà hàng, khách sạn, không liên quan gì đến các công việc quản lý ở công ty. Nói tóm lại, việc điều tra của CQĐT thiếu khách quan, không trung thực. Đây là nỗi oan sai mà bị cáo và những người kinh doanh cùng bị cáo phải gánh chịu. Kính mong HĐXX minh oan cho bị cáo. |
Bình luận (0)