Ngày 28-3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tiếp tục với phần thẩm vấn về “xẻ thịt” tàu Bạch Đằng Giang bán, gây thiệt hại cho Nhà nước 27,3 tỉ đồng; và Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng gây thiệt hại tới 316 tỉ đồng.
Thương vụ nhà máy nhiệt điện Sông Hồng được coi là “ngốn” tiền lớn thứ hai của ông cựu Chủ tịch Vinashin sau thương vụ mua tàu Hoa Sen. Tổng thiệt hại dự án này là 316,5 tỉ đồng, bao gồm: thiệt hại về chi phí đầu tư thực hiện dự án 244,3 tỉ đồng; lãi vay phát sinh được tính đến ngày 31-7-2010 (thời điểm khởi tố vụ án) 72,1 tỉ đồng.
Sự việc bắt đầu từ năm 2003 khi Phạm Thanh Bình kí quyết định góp vốn thành lập Công ty Cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin (Công ty Hoàng Anh) do Nguyễn Văn Tuyên làm giám đốc, với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỉ đồng, sau đó, tăng lên 130 tỉ đồng, Vinashin giữ 51% cổ phần tương đương 61,2 tỉ đồng.
Đầu năm 2006, Nguyễn Văn Tuyên muốn xây dựng một nhà máy nhiệt điện độc lập nên đã chủ động gặp, bàn bạc và thống nhất với Nguyễn Tuấn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long, về việc đầu tư dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 110MW.
Tháng 4-2006, Nguyễn Tuấn Dương đã sang Hàn Quốc và kí hợp đồng trị giá 6,8 triệu USD với Công ty Seobong Recycling mua 2 tổ máy điện cũ, công suất 55 MW/tổ cho dự án Công ty Hoàng Anh và kí hợp đồng trị giá 5,8 triệu USD với Công ty Daekyung Machinery mua 1 tổ máy nhiệt điện cũ với công suất 75MW dự định lắp đặt cho Công ty Cửu Long.
Tháng 3-2007 Công ty Cửu Long lập xong hồ sơ dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng công suất 185 MW. Phạm Thanh Bình đã kí quyết định phê duyệt dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng tại xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định), nâng công suất lên 185MW và nâng tổng mức đầu tư lên 1.481.9 tỉ đồng. Đây là dự án thuộc nhóm A và giao cho công ty Hoàng Anh làm chủ đầu tư, công ty Cổ phần tư vấn chế tạo lắp máy Cửu Long (Công ty con của công ty Cửu Long) làm đơn vị tư vấn lập dự án.
Đến ngày 21-5-2007, Bộ Công nghiệp có Công văn thẩm tra hồ sơ dự án nêu rõ: Không có cơ sở pháp lý để phê duyệt dự án, thiết bị công nghệ của dự án lạc hậu, yêu cầu chủ dự án nhiệt điện Sông Hồng phải tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý đầu tư. Tiếp đến, ngày 15-6-2007 Bộ Công nghiệp có Công văn yêu cầu UBND tỉnh Nam Định đình chỉ thực hiện dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.
Không còn cách nào khác, đến ngày 28-12-2007, Phạm Thanh Bình kí quyết định đình chỉ thực hiện dự án.
Mang chất độc về Việt Nam
Theo cơ quan điều tra, đáng chú ý, trong số máy móc, thiết bị Công ty Cửu Long đã mua của Hàn Quốc có các máy biến chế chứa dầu có chất PCB là chất độc hại thuộc diện phải quản lý khi vận chuyển xuyên biên giới theo quy định của pháp luật.
Để được xuất hàng khỏi Hàn Quốc, các đối tượng đã sử dụng văn bản giả sô 2088/BTNMT- DCKS ngày 8- 9- 2006 mang danh Bộ tài nguyên & môi trường và số 4407/TM-TTTM ngày 26- 11- 2006 mang danh Bộ thương mại Việt Nam để làm thủ tục xuất khẩu tại Hàn Quốc.
|
HĐXX hỏi tiếp về việc Phạm Thanh Bình đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng không có trong quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện quốc gia, không lập báo cáo đầu tư trình Thủ tướng chính phủ cho phép đầu tư đối với dự án nhóm A, bị cáo này biện minh: “Lúc đầu tôi ký duyệt thì dự án vẫn thuộc nhóm B, vì đây là dự án độc lập trong thời điểm trước tháng 8- 2006 chưa có quy định phải báo cáo Chính phủ. Sau khi ký chính thức nâng công suất của nhà máy điện lên thì mới thuộc nhóm A và lúc này ký duyệt là sai”.
Còn bị cáo Nguyễn Tuấn Dương thì cho rằng: “Với tư cách của nhà thầu, chúng tôi hiểu dự án này đã được tỉnh Nam Định cho phép. Vào thời điểm 2006 chúng tôi chưa phải là thành viên của Vinashin nên không chịu bất kỳ một quyết định hành chính của Vinashin”.
Trong vụ này, cơ quan điều tra xác định: Công ty Hoàng Anh đã sử dụng tổng số 233,151 tỉ đồng cho dự án. Trong đó, chi phí thực hiện: 32,151 tỉ đồng, tiền đặt cọc và cho Công ty Cửu Long vay để thực hiện dự án là 201 tỉ đồng.
Công ty Cửu Long đã sử dụng 221 tỉ đồng vốn của Tập đoàn Vinashin để chi phí vào dự án (trong đó có 20 tỉ đồng của Công ty Cửu Long trực tiếp vay tại tập đoàng Vinashin, 201 tỷ đồng do Công ty Hoàng Anh chuyển sang).
Để có tiền chuyển cho Nguyễn Tuấn Dương chi phí mua máy móc thiết bị cho dự án nhiệt điện Sông Hồng, ngày 13-7-2006, Nguyễn Văn Tuyên mang hợp đồng đến Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC) gặp Trịnh Thị Hậu nhờ duyệt giải ngân, mặc dù hồ sơ xin giải ngân chưa đủ thủ tục pháp lý, nhưng Trịnh Thị Hậu đã giao cho Phạm Thị Mai Hiên – cán bộ tín dụng VFC làm thủ tục.
Nguyễn Văn Tuyên đã chỉ đạo Đỗ Đình Côn, khi đó là Kế toán trưởng Công ty Hoàng Anh lập khống các thủ tục, như: Biên bản giao nhận vật tư, phiếu nhập, xuất kho… để hợp thức hồ sơ giải ngân số tiền 42,8 tỉ đồng theo hợp đồng khống và hóa đơn của Công ty Cửu Long nộp cho Phạm Thị Mai Hiên. Chỉ một ngày sau, VFC đã chuyển 42,8 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Cửu Long. Sau đó, Phòng tín dụng VFC lập tờ trình thẩm định dự án, ghi lùi ngày là 1-3-2006 để Trịnh Thị Hậu ký hợp thứ hồ sơ giải ngân.
Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Thị Hậu lại chối đây đẩy: “Bị cáo không đồng ý với cáo buộc của tòa. Khi nhận bất kỳ hồ sơ nào, tôi đều đưa cho cán bộ tín dụng kiểm tra xem hồ sơ đã đầy đủ chưa. Hiện tôi không nhớ đã đưa hồ sơ cho ai nhưng chắc chắn, bất kỳ ai đưa tôi cũng không mở ra xem mà chuyển qua bộ phận tín dụng. Bộ phận tín dụng kiểm tra xong, trình lên cho tôi thì tôi mới xem xét”.
Tại tòa, khi VKS hỏi về việc giải ngân “siêu tốc”, bị cáo Tuyên nói: “Bị cáo chỉ làm giám đốc thôi, không nắm rõ công việc chuyên môn. khi đưa hồ sơ, tôi không biết có chị Hậu ở đó hay không. Tôi chỉ đưa hồ sơ vào phòng tín dụng rồi về nên không để ý có những ai. Sau này các anh công an nói lại tôi mới biết!”
Cơ quan điều tra xác định, trong Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc cho vay khoản tiền 42,8 tỉ đồng trái phiếu quốc tế của Trịnh Thị Hậu có tính chất độc lập, nên Trịnh Thị Hậu chỉ phải chịu trách nhiệm riêng đối với số tiền thiệt hại: 2,69 triệu USD tương đương 49,9 tỉ đồng trong tổng thiệt hại 316,5 tỉ đồng.
Còn bị cáo Đặng Đình Côn thì đổ lỗi cho sếp của mình. Theo bị cáo, các hành vi trong cáo trạng đúng song thực tế tôi không gây thiệt hại mà chỉ giúp giám đốc trong công việc.
“Tôi không được phân công công việc gì trong dự án nhiệt điện sông Hồng. Còn việc chuyển tiền, khi GĐ bảo chuyển tiền, tôi có ý kiến, chuyển tiền thì phải có đầy đủ hợp đồng song GĐ nói anh cứ chuyển sang. Sau khi chuyển tiền, thiếu một số giấy tờ, anh Tuyên nói cứ làm đi, bổ sung sau. Bị cáo biết là sai, có gàn với bị cáo Tuyên song Tuyên không nghe”, bị cáo Côn trần tình.
Với bị cáo Nguyễn Tuấn Dương thì khăng khăng không có hành vi làm trái và không gây bất kỳ hậu quả nào cho dự án này. “Nếu HĐXX thấy khoản tiền vay không đúng thì tôi sẵn sàng trả lại số tiền này trước hạn. Khoản hơn 72 tỷ tiền lãi của hơn 200 tỉ, công ty tôi có đủ khả năng chi trả khoản này”, bị cáo Dương dứt khoát.
Sau khi sự việc đổ vỡ, Nguyễn Tuấn Dương biết nguồn tiền này là của Vinashin nên đã chỉ đạo Công ty Cửu Long nhận nợ và đã được Tập đoàn hạch toán nợ từ ngày 23-8-2008 đến nay nên không quy kết trách nhiệm hình sự mà buộc Công ty Cửu Long và Nguyễn Tuấn Dương có trách nhiệm trả lại số tiền này cho Tập đoàn.
Đồng thời, Nguyễn Tuấn Dương cũng không phải chịu trách nhiệm về số tiền 23,3 tỉ đồng do Nguyễn Văn Tuyên và Công ty Hoàng Anh vay của tập đoàn để chi phí tự thực hiện một số hạng mục của Dự án.
Tuy nhiên, với tư các là tổng thầu, bị can Nguyễn Tuấn Dương đã giúp cho Nguyễn Văn Tuyên và Công ty Hoàng Anh thực hiện sai một số quy định của Nhà nước về thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng, khởi công xây dựng dự án, vay và sử dụng số tiền 20 tỉ đồng của Tập đoàn khi Dự án đã bị đình chỉ … Do vậy, bị can Nguyễn Tuấn Dương phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm với các bị can Phạm Thanh Bình, Nguyễn Văn Tuyên về số tiền thiệt hại là hơn 92 tỉ đồng.
Liên quan đến vụ việc này, trong quá trình điều tra, còn phát hiện Nguyễn Văn Tuyên đã lập khống chứng từ để rút 4,5 tỷ đồng từ quỹ của Công ty Hoàng Anh, có dấu hiệu của tội phạm “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự. Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Tham ô tài sản” và ra quyết định tác vụ án để tiếp tục điều tra xử lý.
Theo cáo trạng, năm 2001, Vinashin mua tàu MV Rayna của Campuchia với giá 1,22 triệu USD để phá dỡ bán sắt vụn, nhưng thấy chất lượng còn tốt nên đã đề nghị và được Chính phú đồng ý cho phép hoán cải, nâng cấp thành tàu siêu trường siêu trọng để kinh doanh vận tải chở tàu hút bùn sang Iraq, được đổi tên thành tàu Bạch Đằng Giang.
Song do dự án khách sạn nổi 4 sao chi phí quá cao nên Công ty Nam Triệu không thực hiện nữa mà quyết định… vẫn bán thân vỏ tàu này. Công ty Nam Triệu đã thực hiện bán đấu giá tàu Bạch Đằng Giang với giá khởi điểm là 149 tỉ đồng nhưng không bán được vì giá trả cao nhất 75 tỉ đồng.
Thấy vậy, Trần Quang Vũ chỉ đạo phá dỡ tàu và bán thanh lý vỏ tàu trước để thu hồi vốn. Vỏ tàu Bạch Đằng Giang đã được bán cho Công ty Hoàng Thành với giá là 66,1 tỉ đồng.
Việc tự định giá và quyết định thanh lý, nhượng bán tài sản nêu trên của Công ty Nam Triệu là không đúng thẩm quyền vì tàu Bạch Đằng Giang vẫn thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Vinashin, Công ty Nam Triệu chỉ được giao quản lý, sử dụng.
Mặt khác, khi thực hiện việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, Tổng công ty Nam Triệu không thực hiện bán công khai theo đúng trình tự của pháp luật về đấu giá tài sản và khi có tiền lại không trả nợ mà đưa vào sử dụng không đúng mục đích.
Trong buổi thẩm vấn, HĐXX và các luật sư tập trung làm rõ: việc “xẻ thịt” con tàu ra thành nhiều phần để bán gây thiệt hại như thế nào so với việc bán cả một con tàu.
Một Phó Tổng GĐ phụ trách kinh doanh của công ty Nam Triệu cho rằng, không có thiệt hại trong thương vụ bán vỏ tàu. Vì bán cả tàu được 75 tỉ, bán riêng các bộ phận thì tính tổng trị giá lớn hơn. Nếu không bán thì công ty vẫn phải đi vay để trả lương cho nhân viên và chi phí hoạt động.
Khi được luật sư hỏi, giám định viên của VinaControl cho biết, thực hiện khảo sát thực trạng của con tàu đã được tiến hành từ 4 đến 5-1-2011. Luật sư vặn lại: “Theo thống kê có khoảng 3.569 sản phẩm. Vậy với thời gian như vậy, đoàn công tác làm thế nào để đánh giá hết chừng ấy thiết bị? Làm sao để biết thiết bị nào còn hoạt động, thiết bị nào không?”.
Vị đại diện của Vinacontrol gay gắt phản ứng: “Nếu luật sư có đối chất đề nghị có công văn đối chất sang Vinacontrol”.
Luật sư tiếp lời, có thiết bị nào không hoạt động hoặc bỏ ngoài đánh giá không? Có cần cầu vật tư trị giá 3,7 tỷ đồng không nằm trong danh mục thẩm định giá, tại sao? Vị đại diện của Vinacontrol nói sẽ kiểm tra lại chi tiết này.
Đại diện công ty Nam Triệu lại cho rằng, chúng tôi tính thiệt hại từ khi tháo dỡ vỏ tàu. Khoản thiệt hại là lãi suất tính từ thời điểm hoạt động đến khi tháo giỡ.
Luật sư hỏi, Bạch Đằng Giang được coi là “con tàu chết”, gánh theo rất nhiều chi phí khác: bảo dưỡng, bến bãi, lãi suất ngân hàng… vậy các khoản tiền này tính thế nào? Đại diện Nam Triệu tiếp lời, khi tàu này đang hoạt động, toàn bộ phần chi phí đó đã được đưa vào hoạch toán kinh doanh của công ty Nam Triệu. Trong quản lý, tàu hoạt động hay không hoạt động đều được tính vào hoạch toán của công ty.
Từ 15 giờ 45 phút chiều 28-3, HĐXX chuyển qua phần thẩm vấn các bị cáo liên quan đến sai phạm của dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây thiệt hại 30,4 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần CNTT Bình Định (Công ty Bình Định) được thành lập ngày 27-5-2004, trong đó Vinashin là cổ đông chi phối chiếm 51% cổ phần. Tháng 10- 2004, HĐQT Công ty Bình Định đã họp quyết định phê duyệt dự án đầu tư hàng khô trọng tải 4.000 tấn (tàu Bình Định Star) với tổng vốn đầu tư là 75 tỉ đồng từ nguồn thuê mua tài chính và vốn tự có do các cổ đông đóng góp.
Ngày 14-4-2005, Công ty Bình Định ký Hợp đồng với các bên cho thuê tài chính là Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Ngoại thương và Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Đầu tư và phát triển để thuê mua tài chính tàu Bình Định Star trị giá 72,5 tỉ đồng trong thời gian 7 năm. Các công ty cho thuê tài chính đứng tên sở hữu tàu, khi Công ty Bình Định thanh toán hết gốc và lãi của số tiền thuê tài chính thì được quyền mua tàu. với giá tượng trưng là 50 triệu đồng.
Tàu Bình Định Star được đưa vào khai thác từ ngày 27-5-2005. Theo quyết định của Vinashin do ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT ký - Công ty Bình Định được Tập đoàn phân bổ cho vay 181 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ để thực hiện một số dự án, trong đó Dự án tàu Bình Định Star được phân bổ cho vay 29 tỉ đồng.
Đến ngày 30-3-2010, Công ty Bình Định vi phạm trách nhiệm trả nợ nên các công ty cho thuê tài chính đã thu hồi và bán tàu Bình Định Star dẫn đến VFC và Vinashin không còn khả năng thu hồi vốn đã cho vay.
Trong vụ này, VFC đã có nhiều sai phạm liên quan đến việc giải ngân cho dự án này. Hồ Ngọc Tùng, nguyên Tổng giám đốc VFC giữ vai trò chính, chỉ đạo Trịnh Thị Hậu thực hiện các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, đã gây thiệt hại về gốc và lãi vay tính đến ngày 31-7-2010, theo kết luận giám định là 30,4 tỉ đồng. Hồ Ngọc Tùng đã bỏ trốn, đang bị cơ quan cảnh sát điều tra truy nã.
Đến 17 giờ, HĐXX kết thúc phần thẩm vấn. Sáng mai, 7 giờ 30 phiên tòa sẽ tiếp tục với phần buộc tội của VKS và tranh tụng tại tòa.
9 bị cáo vụ Vinashin ra toà
- Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin
- Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc (TGĐ) Vinashin
- Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng Ban kiểm soát Vinashin
- Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long
- Tô Nghiêm, nguyên Chủ tịch Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Cái Lân
- Trịnh Thị Hậu, nguyên TGĐ Công ty Tài chính MTV công nghiệp tàu thủy
- Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó TGĐ Công ty Tài chính MTV Công nghiệp tàu thủy
- Nguyễn Văn Tuyên, nguyên TGĐ Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh
- Đỗ Đình Côn, nguyên Phó TGĐ Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh. |
Phạm tội đặc biệt nghiêm trọng
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, bị cáo Phạm Thanh Bình cùng các đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước ở năm dự án với tổng thiệt hại trên 910 tỉ đồng. Cụ thể, Nguyễn Thanh Bình cùng các đồng phạm đã không tuân thủ quy định của pháp luật, không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại các dự án: Dự án mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 469,5 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (tỉnh Nam Định) là hơn 316,5 tỉ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân gây thiệt hại hơn 66,5 tỉ đồng; Dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây thiệt hại hơn 30,4 tỉ đồng và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại hơn 27,3 tỉ đồng. Tổng thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án đã gây ra là 910.471.130.854 đồng. Cáo trạng của VKSND tối cao khẳng định: hậu quả thiệt hại do hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế của các bị cáo gây ra trong từng dự án cũng như tổng thiệt hại chung của vụ án này thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. |
Bình luận (0)