Phát biểu tại lễ phát động, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức cuộc thi, bày tỏ tin tưởng cuộc thi là nơi để các thế hệ học trò chia sẻ, tri ân các thầy cô. Sau cuộc thi, những hình ảnh đẹp trong mỗi tác phẩm sẽ được nhân rộng, lan tỏa hơn nữa.
"Những câu chuyện ấy sẽ là những viên gạch góp phần xây dựng nên một tượng đài tri ân và tôn vinh những người thầy cô giáo - những người đã và đang gieo mầm cho tương lai của đất nước. Để hoàn thành trọng trách to lớn này, bên cạnh những chính sách tạo động lực, sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà giáo, rất cần sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của toàn xã hội"- nhà báo Triệu Ngọc Lâm nói.
Theo BTC, Nội dung các tác phẩm dự thi tập trung vào những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường. Cụ thể, tác phẩm thể hiện những ấn tượng sâu sắc về thầy cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ, hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô giáo tới việc học tập, nhận thức, làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả (hoặc bạn bè, người thân tác giả).
Những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết các tình huống ấy của thầy cô giáo mà tác giả đã từng gặp hoặc trải qua, thể hiện năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo cũng như tình cảm của thầy cô giáo đối với học sinh, đối với nghề. Những kỷ niệm, những ấn tượng, tình cảm gắn bó sâu sắc đối với ngôi trường mà tác giả hoặc bạn bè, người thân của tác giả đã và đang theo học....
Các tác phẩm dự thi viết bằng tiếng Việt, dưới hình thức văn xuôi, mỗi tác phẩm tối thiểu 500 từ (hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có).
Ban tổ chức trao 2 giải tập thể; 2 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải, 4 giải nhì, 6 giải ba, 10 giải khuyến khích, 2 giải dành cho Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ nay đến 31-10.
Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào tháng 12-2024
Bình luận (0)