Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances, nhóm tác giả ANU đã xác định một loại protein ngay trong hệ thống miễn dịch của con người có thể được điều khiển để giúp khắc phục bệnh ung thư ruột.
Tờ Medical Xpress dẫn lời TS Abhimanu Pandey, tác giả chính của ngheien cứu, cho biết protein nói tên được gọi là Ku70, có thể được kích hoạt hoặc "bật" giống như một công tắc đèn bằng các loại thuốc mới và cả thuốc hiện có.
"Ở trạng thái kích hoạt, protein hoạt động giống như một hệ thống giám sát, phát hiện các dấu hiệu DNA bị hư hỏng trong tế bào chúng ta" - TS Pandey giải thích.
DNA là mã di truyền của sự sống. DNA bị hư hỏng là một trong các nguyên nhân có thể biến tế bào khỏe mạnh thành tế bào ung thư.
Nghiên cứu của ANU cho thấy Ku7- có thể "làm mát" các tế bào ung thư và dọn dẹp DNA bị hư hỏng.
Việc dọn dẹp DNA hỏng ngăn chặn việc các tế bào lành bị biến thành tế bào ung thư, trong khi tính năng "làm mát" giúp ngăn tế bào ung thư ruột trở nên hung hãn hơn.
Điều này đồng nghĩa với việc ngăn di căn và thậm chí là vô hiệu hóa chúng bằng cách giữ chúng ở trạng thái không hoạt động.
Phát hiện này chưa trực tiếp đưa đến một phác đồ điều trị ung thư mới, nhưng đã mở ra một con đường quan trọng.
Theo GS Ming Man, thành viên nhóm nghiên cứu, các phương pháp sàng lọc ung thư ruột trong tương lai có thể bao gồm việc kiểm tra mức Ku70 trong polyp tiền ung thư.
Ngoài ra, cần thêm một số nghiên cứu đề ứng dụng con đường này vào việc điều trị ung thư ruột, bao gồm tìm hiểu xem các thuốc hay sự kết hợp thuốc nào có thể tác động hiệu quả nhất tới "công tắc" Ku70.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư ruột - hay còn gọi là ung thư đại trực tràng - đang là loại ung thư phổ biến hàng thứ 3 trên thế giới và đứng thứ 2 trong danh sách các loại ung thư gây tử vong nhiều nhất.
Còn theo thống kê tại Úc được nhóm nghiên cứu trích dẫn, chỉ riêng tại nước này mỗi tuần đã có 100 người tử vong vì ung thư ruột. Tuy vậy, 90% các ca bệnh có thể được điều trị thành công nếu như được phát hiện sớm.
Bình luận (0)