Mới đây, YouTuber Nguyễn Văn T. (30 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) cùng cháu trai đã đến quán karaoke An Phú, tỉnh Bình Dương để quay clip khám phá nơi từng xảy ra vụ cháy khiến 32 người chết và phát hiện một bàn tay người đang phân hủy và một đầu người trên hố ga.
Hoảng sợ, anh T. quay về tỉnh An Giang mà không trình báo với chính quyền địa phương. Sang hôm sau, anh T. mới gọi điện trình báo Công an phường An Phú, TP Thuận An báo cáo vụ việc.
Một số bạn đọc thắc mắc hiện pháp luật quy định như thế nào về việc trình báo với cơ quan chức năng?
Trường hợp nam Youtuber không trình báo với công an mà đến lúc công an điều tra ra được nam Youtuber đã phát hiện mà không trình báo thì nam Youtuber có phạm luật không?
Trả lời thắc mắc trên, luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+ cho hay hiện pháp luật chưa quy định cụ thể thời hạn bao lâu khi một người phát hiện một vụ việc nào đó có dấu hiệu phạm tội thì phải báo với cơ quan chức năng. Theo đó, YouTuber Nguyễn Văn T. không bị coi là có tội bởi ngay hôm sau đã báo với Công an phường An Phú.
Song theo luật sư Phùng Huyền, để hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, người dân nên khẩn trương báo tin hoặc nhờ người khác báo giúp càng sớm càng tốt.
Riêng nếu nam Youtuber không trình báo với công an mà đến lúc công an điều tra ra được nam Youtuber đã phát hiện mà không trình báo thì chưa thể kết luận việc không báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 390 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi (bổ sung năm 2017), người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 Bộ Luật Hình sự đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 Bộ Luật Hình sự thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng 3 năm.
Điều 389 Bộ Luật Hình sự liệt kê các tội phạm có thể kể đến như tội giết người, tội hiếp dâm, tội cướp tài sản,...
Còn các trường hợp được loại trừ tại khoản 2 và 3 Điều 19 Bộ Luật Hình sự là các trường hợp dành cho các đối tượng không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng và người bào chữa của người phạm tội.
Như vậy, dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội không tố giác tội phạm là phải biết rõ tội phạm đã được thực hiện, các tội danh không được tố giác được liệt kê theo quy định Điều 389 Bộ Luật Hình sự và không thuộc trường hợp được loại trừ theo các khoản 2 và 3 Điều 19 Bộ Luật Hình sự.
Tuy nhiên, giả sử như nam Youtuber không trình báo cũng rất khó để có thể đưa ra kết luận rằng có phạm tội hay không do chưa có căn cứ để xác định rằng nam thanh niên này "biết rõ" về tội phạm đã xảy ra.
Bình luận (0)