Tại Tiền Giang, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các Đội QLTT khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Công điện 23/CĐ-TTg ngày 20-3 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, Đội QLTT số 1 và 6 vừa đột xuất kiểm tra 4 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức trên địa bàn huyện Châu Thành, TP Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy và thị xã Gò Công.
Tại thời điểm kiểm tra, 2 doanh nghiệp sản xuất 30 chiếc nhẫn trơn loại 14K (độ tinh khiết 600), 52 bộ ximen không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định.
2 doanh nghiệp còn lại kinh doanh vàng trang sức gồm 12 vòng charm đầu rồng, hàm lượng vàng 600 (tổng khối lượng 60 chỉ) và 10 chiếc dây chuyền, hàm lượng vàng 980 (tổng khối lượng 20 chỉ) có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc (không ghi tên hàng hóa); 12 vòng charm tỳ hưu, hàm lượng vàng 610 (tổng khối lượng 5,2 chỉ) không có nhãn hàng hóa.
Căn cứ giá niêm yết, tổng giá trị tang vật vi phạm được xác định gần 1,5 tỉ đồng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản kiểm tra đối với 4 doanh nghiệp nêu trên để tiếp tục thẩm tra, xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Tại Hậu Giang, Đội QLTT số 2 phối hợp với Đội QLTT số 1, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh và Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng tỉnh cũng vừa kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH Một thành viên kinh doanh vàng T.H. (xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận công ty treo biển hiệu không thể hiện tên theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; sử dụng ứng dụng bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bàn hàng.
Đoàn đã lập hồ sơ ghi nhận kết quả kiểm tra để tiếp tục xác minh, làm việc và xử lý.
Tại Đồng Tháp, Đội QLTT số 2 và Đội QLTT cơ động tiến hành kiểm tra đột xuất 3 doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ trên địa bàn TP Cao Lãnh.
QLTT phát hiện 3 doanh nghiệp này kinh doanh sản phẩm trang sức gồm lắc tay, vòng tay, bông tai, nhẫn, mặt dây chuyền đều là kim loại màu vàng, kim loại màu trắng có gắn các yếu tố có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đối với sản phẩm mang nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam.
Đội QLTT đã tạm giữ toàn bộ số lượng tang vật có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nêu trên. Vụ việc đang được tiến hành làm rõ để có căn cứ xử lý.
Tại Long An, Đội QLTT số 3 đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh đối với một doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn TP Tân An.
Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này xuất trình đầy đủ các giấy tờ như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hóa đơn chứng từ liên quan hàng hóa đang kinh doanh, doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Tuy nhiên, hàng hóa (vàng) của doanh nghiệp đang kinh doanh tại thời điểm kiểm tra có nhãn nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo tính chất hàng hóa, không đảm bảo điều kiện theo quy định để người có quyền và nghĩa vụ giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa, dịch vụ.
Trị giá hàng hóa vi phạm về nhãn khoảng 100 triệu đồng. Vụ việc đang được Đội QLTT số 3 tiếp tục xác minh, xử lý.
Tại An Giang, Cục QLTT tỉnh vừa chủ động phối hợp ngành chức năng kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn TP Long Xuyên, TP Châu Đốc và huyện An Phú.
Kết quả, QLTT phát hiện 2 cơ sở đang trưng bày để bán hơn 2 lượng kim loại màu vàng cùng một số sản phẩm được chế tác có dấu hiệu hàng không rõ nguồn gốc và nghi vấn giả nhãn hiệu quốc tế.
Hàng hóa tạm giữ có giá trị hơn 170 triệu đồng. Vụ việc đang được tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
Thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh An Giang sẽ phối hợp với Công an tỉnh, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh An Giang triển khai kế hoạch kiểm tra liên ngành đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn.
Tại Cà Mau, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 6 tiến hành kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng ở huyện Cái Nước và huyện Trần Văn Thời.
Kết quả, QLTT phát hiện 2 doanh nghiệp này đang trưng bày hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của CHANEL, tổng trị hàng hóa tạm giữ có giá trị 66,5 triệu đồng. Vụ việc đang được tiếp tục làm rõ để xử lý.
Tại TP Cần Thơ, Đội QLTT số 2 kiểm tra đột xuất 2 cơ sở kinh doanh mặt hàng trang sức bạc và xi mạ trên địa bàn quận Ô Môn và huyện Thới Lai.
Lực lượng chức năng đã phát hiện 2 cơ sở đang bày bán 48 sản phẩm kim loại xi mạ màu trắng, kim loại xi mạ màu vàng có gắn yếu tố có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của CHANEL đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, gồm: vòng kim loại, lắc kim loại, nhẫn kim loại, mặt dây chuyền kim loại,…
Đội QLTT số 2 đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên và tiếp tục xử lý theo quy định.
Bình luận (0)