Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Thành ủy, HĐND và UBND TP HCM chú trọng.
Gấp rút lập hồ sơ
Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM vừa tổ chức "Hội nghị Tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TP HCM năm 2024", với sự tham gia của hơn 300 cán bộ quản lý di sản văn hóa các cấp.
Theo các nhà chuyên môn, công tác quản lý, trùng tu các di tích trên địa bàn thành phố đã được tiến hành thường xuyên. Nhiều địa điểm di tích văn hóa giữ được các yếu tố nguyên gốc và giá trị lịch sử, tạo cảnh quan thân thiện, môi trường hài hòa trong quá trình đô thị hóa và trở thành điểm du lịch hấp dẫn như: Hội trường Thống Nhất, địa đạo Củ Chi, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, chợ Bình Tây…
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, cho biết thành phố đang lập hồ sơ đề nghị đưa Nghệ thuật Lân sư rồng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ thuật cải lương cũng được quan tâm, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cũng đang xây dựng đề án đề nghị công nhận cải lương là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Thông tin TP HCM đang xây dựng đề án đề nghị công nhận nghệ thuật sân khấu cải lương là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được giới văn nghệ sĩ hết sức quan tâm và ai cũng mong sẽ sớm được công nhận để có thể lan tỏa nhiều hơn, xa hơn lĩnh vực nghệ thuật này" - NSND Lệ Thủy vui mừng bày tỏ.
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên thì kỳ vọng nghệ thuật cải lương sẽ sớm trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhằm có những kế hoạch đầu tư bài bản cho việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Đưa luật vào cuộc sống
Những người trong cuộc cho rằng việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự tham gia của toàn xã hội. Các giải pháp này không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn hiện vật mà còn bao gồm các hoạt động trưng bày, giới thiệu và đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực. Điều này giúp tăng cường nhận thức và gắn kết cộng đồng với các giá trị văn hóa, phát triển di sản văn hóa TP trở thành tài sản quốc gia, nguồn vốn xã hội quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của TP. Việc xã hội hóa các hoạt động bảo tồn không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước mà còn khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng và các tổ chức tư nhân.
Theo các chuyên gia, TP HCM cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới luật cần được triển khai với nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền trên hệ thống báo, đài, mạng internet... Việc này sẽ góp phần gỡ khó cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa nói chung, về di sản của TP nói riêng.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhìn nhận: "Nếu làm tốt việc đưa luật vào cuộc sống thì tình trạng xâm hại, lấn chiếm ở di tích sẽ được ngăn chặn kịp thời. Công tác trùng tu, tôn tạo, khoanh vùng bảo vệ di tích sẽ được thực hiện tới nơi tới chốn. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng cần phải được thực hiện thường xuyên".
KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, cho rằng để các di sản văn hóa chuyển hóa thành nguồn lực, "sức mạnh mềm" phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Theo đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phải thực hiện toàn diện từ hoạt động nghiên cứu, nhận diện đến các hoạt động bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản. Công tác giảng dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống của TP cũng phải được quan tâm.
TP HCM đang tích cực tiến hành số hóa các di tích; đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động để di tích trở thành điểm đến thường xuyên của cộng đồng, đẩy mạnh liên kết các điểm di tích với nhau; ứng dụng rộng rãi công nghệ để giới thiệu di tích; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp cận và hiểu biết nhiều hơn về di tích trên địa bàn thành phố.
Bình luận (0)