Gần 100 nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca sẽ góp mặt tại chương trình "Hội ngộ đờn ca" lần 2-2024 do Đài Truyền hình TP HCM - HTV tổ chức lúc 10 giờ sáng 22-7 tại sân khấu tiền sảnh HTV (14 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP HCM). HTV livestream trực tiếp.
Đây là chương trình nhằm tạo sức lan tỏa những giá trị tinh hoa của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (ĐCTT NB) đã được thế giới vinh danh di sản phi vật thể đại diện nhân loại, bên cạnh đó còn giới thiệu thế hệ nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca trẻ đã được dìu dắt, truyền nghề từ các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú tại TP HCM.
Chương trình "Hội ngộ đờn ca" lần 2-2024 sẽ giao lưu, biểu diễn giữa 4 CLB ĐCTT NB quận Bình Thạnh, quận 6, 8, 12 (TP HCM). "Hội ngộ đờn ca" được kỳ vọng tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa ĐCTT NB xưa của các đội nhóm, CLB qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT NB.
Đạo diễn Nguyễn Minh Hải, Trưởng Ban Văn nghệ HTV, cho rằng nếu thiếu đi vai trò của cộng đồng, di sản văn hóa phi vật thể sẽ không còn sức sống. Nói cách khác, cộng đồng là "bảo tàng sống" lưu giữ giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
"Chương trình "Chuông vàng vọng cổ" do HTV tổ chức đến nay đã bước sang năm thứ 19. Chặng đường phát triển bền bỉ của cuộc thi đã sản sinh ra nhiều hạt nhân cho sân khấu cải lương, nhiều diễn viên của "Chuông vàng vọng cổ" tỏa sáng, có người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT" - đạo diễn Nguyễn Minh Hải thông tin.
Với tiêu chí nỗ lực đa dạng hóa hình thức biểu diễn nhằm khẳng định vị thế của di sản văn hóa, từ năm 2023, song song với cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ", HTV đã thực hiện thêm chương trình "Hội ngộ đờn ca" nhằm tạo thêm sân chơi lành mạnh cho các nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca ở TP HCM có cơ hội giao lưu, thể hiện tài năng.
Nghệ nhân ưu tú Phương Hậu cho rằng di sản văn hóa phi vật thể tồn tại trong cộng đồng, cho cộng đồng và vì cộng đồng. Mối quan hệ mật thiết này tạo nên sự gắn bó khăng khít giữa cộng đồng và di sản. "Chúng tôi phấn khởi khi HTV đã tổ chức lần 2 chương trình "Hội ngộ đờn ca", qua đó tạo sức lan tỏa nhằm khẳng định vị thế di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng. Sân chơi này rất có ý nghĩa, tạo sự gắn kết giữa các đơn vị hoạt động ĐCTT NB, đồng thời là cơ hội để giới thiệu các gương mặt trẻ mà chúng tôi đã đào tạo" - Nghệ nhân Ưu tú Phương Hậu bày tỏ.
Đánh giá cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại TP HCM, NSND Trần Minh Ngọc lưu ý: "Di sản có sức sống bền vững hay không phụ thuộc vào cộng đồng và nghệ nhân của cộng đồng đó. TP HCM có phong trào ĐCTT NB mạnh, có sức lan tỏa và là mảnh đất ươm mầm tốt cho sàn diễn cải lương. TP HCM cần chú trọng đến vai trò của cộng đồng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách bền vững".
PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái góp thêm: "TP HCM cần phải nâng cao nhận thức và hiểu biết về di sản để cộng đồng tự giác giữ gìn di sản".
PGS-TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng, nhìn nhận: "Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các chuyên gia nghiên cứu".
Bình luận (0)