Tại talkshow "20 năm: Sức mạnh doanh nhân Việt và khát vọng vươn tầm quốc tế" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 9-10 nhân ngày Doanh nhân 13-10, các khách mời cho biết sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) không chỉ dừng lại ở việc xây dựng và củng cố vị thế trong nước mà còn hướng đến việc mở rộng ảnh hưởng và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đóng góp cho xã hội, cộng đồng và nền kinh tế nước nhà.
Doanh nhân Việt ngày càng lớn mạnh
Chia sẻ tại talkshow, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), cho biết bắt đầu từ giai đoạn đầu khi Việt Nam dần mở cửa năm 1986, vai trò của thương nhân được ghi nhận. Đến năm 2004, lần đầu tiên được nhà nước chọn 1 ngày kỷ niệm riêng cho giới thương nhân. "Giới doanh nhân chúng tôi rất phấn khởi và tự hào. Sự ghi nhận của nhà nước, xã hội là niềm động viên, tiếp sức rất lớn, giúp doanh nhân thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình kiến thiết xây dựng đất nước. Đến nay, qua 20 năm, đội ngũ doanh nhân đã trưởng thành vượt bậc, tăng gấp 10 lần so với 2004, lên đến trên 110.000 người. Các doanh nhân hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, không chỉ ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động" - ông Hòa nói.
Ở góc nhìn nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐHQG TP HCM, cho rằng bối cảnh trong nước và thế giới 20 năm nay đã có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức và vai trò của doanh nhân. Đặc biệt là sự đổi mới của đất nước, tác động của toàn cầu hóa đã hình thành và thúc đẩy năng lực của DN trong quá trình đổi mới toàn cầu. Ông Danny Võ (Võ Thành Đăng), Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài - TP HCM, thì cho rằng sự lớn mạnh của kinh tế Việt Nam hiện nay còn có sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài. Lực lượng doanh nhân này có điều kiện tiếp cận công nghệ tiên tiến và đang mang những tri thức mới, công nghệ mới, cơ hội kinh doanh mới và nguồn kiều hối về đầu tư tại Việt Nam.
Với khả năng thích ứng, linh hoạt, sáng tạo và kiên cường để vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội và xây dựng các DN lớn mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Tuy nhiên, số lượng DN xây dựng thương hiệu thành công trên thị trường quốc tế còn khá khiêm tốn và chỉ có khoảng 5 đại diện của Việt Nam trong số 2.000 công ty lớn nhất thế giới.
Theo ông Hòa, để nắm bắt "thời cơ vàng cho thương hiệu Việt", DN phải làm thế nào để sản phẩm, đặc biệt là thương hiệu của mình chiếm được trái tim của khách hàng trong và ngoài nước. "Cần sự hậu thuẫn của nhà nước và người tiêu dùng trong nước để DN vững vàng trên sân nhà trước khi đi xa ra sân khách. Tôi có niềm tin trong thời đại chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và sự phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ đang mở ra thời cơ, cho phép DN Việt Nam có thể "đi tắt đón đầu" để nắm bắt những vận hội này và tạo sức bật cho DN" - ông Hòa bày tỏ.
Cần có "bà đỡ" để vươn tầm
Theo quan sát của ông Hòa, người Việt Nam có khả năng đương đầu với thách thức, chống chịu với khó khăn, nghịch cảnh và sẵn sàng đi về phía trước. Khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nhân Việt Nam rất mạnh mẽ. Trong những lúc khó khăn nhất, các doanh nhân động viên nhau nỗ lực vươn lên vì trách nhiệm với cộng đồng, với đời sống của cán bộ công nhân viên.
"Trong cuộc đời doanh nhân cũng như trong hành trình xây dựng, phát triển DN cũng sẽ có đôi lần vấp ngã. Để họ có thể đứng lên sau vấp ngã, rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng, khách hàng và sự chia sẻ, tạo điều kiện của nhà nước. Các cơ quan chức năng hãy nhìn DN theo chiều hướng tích cực: trừ bộ phận thiểu số cố tình lợi dụng để trục lợi còn lại đại bộ phận đều mong muốn được làm giàu từ hoạt động kinh doanh chính đáng của mình. Trong quá trình có thể nhận thức, cách làm chưa đúng, rất mong các cơ quan quản lý kịp thời điều chỉnh, gợi ý, định hướng cho DN đi đúng trở lại quỹ đạo đúng" - ông Hòa bày tỏ.
Về phần mình, các DN Việt trong tâm thế người đi sau, đang phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về phát triển xanh, phát triển bền vững… DN phải tìm ra được sự khác biệt để khẳng định chỗ đứng, vị thế của sản phẩm, dịch vụ. DN phải thích ứng, nắm bắt được sự thay đổi và tìm ra con đường riêng để trụ vững ở sân nhà, làm nền tảng vươn xa. DN Việt Nam đi sau DN các nước nên cần có đột phá về khoa học, công nghệ. Hành trang vươn ra thế giới không thể thiếu tầm nhìn toàn cầu, chiến lược, tư duy quản trị, con người toàn cầu... "Tiềm lực của người Việt trên thế giới rất nhiều, đặc biệt là ở những quốc gia phát triển. Đây là cơ hội rất quý, nếu có được kết nối của cộng đồng doanh nhân kiều bào thì DN Việt sẽ đi xa, đi nhanh hơn" - ông Quân nhấn mạnh.
Ở vai trò khách mời tham gia điều phối buổi đối thoại, ông Danny Võ nói thêm, để hiện thực hóa khát vọng vươn tầm quốc tế, trước hết DN cần thay đổi tư duy toàn cầu, đầu tư ngoại ngữ và tận dụng kênh kết nối của cộng đồng doanh nhân kiều bào để hiểu và tiếp cận thị trường các nước.
Các khách mời nhấn mạnh, hành trình vươn tầm của DN rất cần vai trò "bà đỡ" của nhà nước trong thúc đẩy chính sách, đặc biệt là thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thể chế hóa mạnh mẽ hơn nữa những chính sách đó trong thời gian tới. Lãnh đạo Chính phủ, các tỉnh, thành cũng cần tăng cường đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, hiến kế của đội ngũ doanh nhân để từ đó có những chiến lược mới mẻ hơn, tập trung cho đội ngũ doanh nhân, DN.
Sẵn sàng vì cộng đồng, xã hội
Nói về trách nhiệm cộng đồng của DN, các khách mời cho rằng DN, doanh nhân Việt Nam luôn có một tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, chung tay vì cộng đồng. Đơn cử gần nhất là siêu bão Yagi tác động tới các tỉnh phía Bắc, rất nhiều DN đã cùng chung tay, góp sức, góp phần cùng đồng bào khắc phục thiệt hại do bão gây ra. Sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nhân luôn đi cùng với vai trò, trách nhiệm xã hội.
Đặc biệt, trong xu thế chuyển đổi xanh gần như là bắt buộc hiện nay, các tiêu chí về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường... được xác định là yêu cầu và nghĩa vụ DN phải thực hiện. Đó cũng là cơ sở để các DN thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Bình luận (0)