xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phát huy "sức mạnh mềm" của kiều bào trong tình hình mới

Dương Ngọc

(NLĐO)- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết hiện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển

Thông tin tới báo chí sáng 11-1, Thứ trưởng cho biết đại bộ phận bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trong tất cả các lĩnh vực, được chính quyền và người dân sở tại đánh giá cao. Một số đã tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau. Số lượng người Việt Nam ra nước ngoài học tập, lao động, kết hôn, đầu tư… tiếp tục tăng.

Phát huy "sức mạnh mềm" của kiều bào trong tình hình mới- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, phát biểu tại gặp mặt báo chí ngày 11-1. Ảnh: Phi Thường

Kiều bào đóng góp cả về kinh tế lẫn chất xám

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ: "Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài gồm 2 yếu tố, nhiệm vụ chủ yếu, luôn song hành với nhau, đó là vận động và huy động. Nguồn lực của kiều bào rất to lớn nên để vận động và huy động được, phải thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau".

Trước hết, Đảng và Nhà nước luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới đồng bào ta ở nước ngoài, thể hiện bằng văn bản của Bộ Chính trị, chương trình hành động, đề án của Chính phủ, bộ, ngành. Đối với việc sửa đổi các chính sách pháp luật, kiều bào có thể kiến nghị những mong muốn và chia sẻ kinh nghiệm hữu ích của các nước đông cộng đồng kiều bào ở nước ngoài, trong lĩnh vực có liên quan đến kiều bào.

Không chỉ tạo các điều kiện để vận động, huy động kiều bào đóng góp, cống hiến cho trong nước cả về kinh tế lẫn chất xám.

Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lượng kiều hối chuyển về nước năm 2023 tăng trưởng từ 25-30% so với năm 2022. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt khoảng 193 tỉ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Đây là nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, kiều bào tham gia tư vấn chính sách, xây dựng chính sách khi đứng trước các xu hướng mới…

Kiều bào ở các nước có nhiều hoạt động đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước; đồng hành cùng người dân trong nước lúc gặp khó khăn, hoạn nạn

Kiều bào là cầu nối, là mắt xích, thành tố rất quan trọng trong việc đưa hàng Việt ra nước ngoài. Nhiều người Việt Nam là chủ các trung tâm thương mại lớn ở Mỹ, các nước châu Âu, có thể đưa hàng Việt Nam ra quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng. Ví dụ nhập khẩu hàng Việt Nam sang Séc không chỉ phục vụ thị trường Séc mà sang cả Anh, Đức…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh nhiệm vụ giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có vai trò, vị thế và củng cố địa vị pháp lý trong xã hội sở tại. Tiêu biểu, tại Slovakia, ngày 7-6-2023, cộng đồng người Việt chính thức được Chính phủ nước này công nhận là cộng đồng dân tộc thiểu số thứ 14 của Slovakia. Điều này thể hiện sự lớn mạnh của cộng đồng, tạo điều kiện cho bà con hội nhập sâu vào xã hội sở tại và đóng góp cho sự phát triển của quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

"Số hoá" việc dạy tiếng Việt cho kiều bào

Cùng với đó là các chủ trương, chính sách hỗ trợ, vận động để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống, đặc biệt là tiếng Việt. "Đây không phải là nhiệm vụ, vấn đề của riêng công tác người Việt Nam ở nước ngoài mà còn là thách thức đối với cộng đồng kiều bào của nhiều nước trên thế giới"- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8-2022, theo đó, ngày 8-9 hàng năm được chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tích cực huy động các nguồn lực, chủ trì và phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tiêu biểu như hành trình tìm kiếm và phong tặng danh hiệu "Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023"; Chương trình biểu diễn nghệ thuật "Tiếng Việt thân thương"; Hội thảo Ngày tôn vinh tiếng Việt năm 2023; xây dựng tủ sách tiếng Việt tại tại 2 địa bàn (Fukuoka – Nhật Bản và Hungary) với 60 đầu sách; cung cấp sách phục vụ cộng đồng tại Áo, Séc, Slovakia, Bỉ, Qatar.…

Song song đó, các hoạt động thường niên cũng được tổ chức như: Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt lần thứ 9 tại Hà Nội cho 60 giáo viên kiều bào về từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ; "Trại hè Việt Nam" với sự tham gia của 120 đại biểu về từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ; xây dựng Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt tại một số nước … Nhiều diễn đàn, hội thảo về đổi mới công tác dạy và học tiếng Việt đã được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các đơn vị tổ chức.

"Năm 2024, nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được thực hiện chủ động hơn, triển khai bài bản hơn"- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói; đồng thời mong muốn, các kiều bào tích cực đề xuất, có thể "đặt hàng" các nhà xuất bản, ra đầu sách phù hợp hơn; thúc đẩy ứng dụng số, học trực tuyến, có những ứng dụng (apps) học tiếng Việt thân thiện trên smartphone và các thiết bị thông minh khác.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, "sức mạnh mềm" của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được thể hiện thông qua việc kiều bào ta tiếp tục giữ và nâng cao vị thế ở nước sở tại; các hoạt động văn hóa; tích cực kết nối trong và ngoài nước với những cử chỉ hành động đáng quý.

"Sức mạnh mềm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bao hàm rộng, có giá trị về mặt tinh thần, chia sẻ với nhân dân trong nước lúc khó khăn, dịch bệnh. Cốt lõi là sức mạnh mềm thể hiện tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc"- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.

Xuân Quê hương sẽ tổ chức tại TP HCM

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng thông tin dự kiến, chương trình Xuân Quê hương năm 2024 sẽ được tổ chức tại TP HCM từ ngày 1 đến 2-2-2024 (tức ngày 22-23 tháng Chạp năm Quý Mão). Trong đó, các hoạt động do Chủ tịch nước và Phu nhân chủ trì sẽ diễn ra vào ngày 2-2.

Đây là chương trình thường niên dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, sẽ có sự tham dự của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Sự kiện có quy mô lớn, thu hút sự tham dự của đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về quê hương đón Tết, được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chờ đón mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo