Ngày 10-5, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị trực tuyến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết Nghị quyết 41 đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc. Phát triển đội ngũ doanh nhân có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Nghị quyết 41 đề ra 7 nhóm giải pháp nhiệm vụ chủ yếu trong triển khai thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh việc tạo môi trường kinh doanh an toàn để doanh nghiệp (DN), doanh nhân phát triển và cống hiến. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ.
Để mở rộng không gian phát triển cho DN, doanh nhân trong bối cảnh mới, Nghị quyết 41 nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế gắn với 2 quá trình chuyển đổi quan trọng của đất nước trong thời gian tới là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, lần đầu tiên trong các nghị quyết của Đảng sử dụng thuật ngữ "DN dân tộc" khi nêu rõ cần có chính sách đột phá để hình thành, phát triển DN dân tộc, DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho hay chương trình hành động của Chính phủ (ban hành theo Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 10-10-2023) xác định các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các địa phương tập trung tổ chức triển khai nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 41. Các giải pháp sẽ thực hiện trên tinh thần đồng hành với doanh nhân, DN; tạo môi trường thuận lợi để doanh nhân đầu tư kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính phủ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh. Đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỉ phú thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Đến năm 2045, phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước.
Xây dựng khuôn khổ pháp luật bình đẳng
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho hay cơ quan này cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41 với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.
Theo ông Phạm Tấn Công, trong chương trình hành động của mình, VCCI chú trọng xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là nhiệm vụ và yêu cầu rất mới nhưng cũng rất cấp bách trong thời kỳ mới, khi nước ta đang hướng tới mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân; nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Những năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, những vấn đề trong nước và thế giới đặt ra các thách thức mới, đòi hỏi DN, doanh nhân cần phát triển nhanh, bền vững và không ngừng đổi mới. Phải xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết 41 đã đề ra. Trong đó, chú trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, DN phát triển và cống hiến; xây dựng đạo đức doanh nhân, nêu cao trách nhiệm xã hội.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị mỗi doanh nhân phải luôn đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần vì cộng đồng, tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân cần tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước; ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam và DN Việt Nam ra thế giới.
Xây dựng đề án chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, văn hóa DN được coi là tài sản tinh thần, là phần hồn giúp tạo dựng thương hiệu, bản sắc, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng DN vì mục tiêu phát triển bền vững. Nhằm phát huy giá trị văn hóa đạo đức, tinh thần tiên phong tuân thủ pháp luật, minh bạch, công bằng, liêm chính trong cộng đồng DN, doanh nhân, Chính phủ giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với VCCI xây dựng Đề án chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới.
Bình luận (0)