icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phát triển công nghệ nuôi biển ở Khánh Hòa

Bài và ảnh: KỲ NAM

Với thế mạnh về biển đảo, Khánh Hòa đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thí điểm nuôi biển công nghệ cao

Tại hội thảo "Phát triển cụm công nghiệp nuôi biển tập trung" diễn ra tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa mới đây, PGS- TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng việc chuyển đổi vật liệu lồng không giải quyết được các vấn đề của nghề cá thủ công mà cần thiết phát triển cụm công nghiệp nuôi biển tập trung.

Thí điểm thành công

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, sản lượng thủy sản nuôi hằng năm của tỉnh đạt trên 18.000 tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi biển chiếm khoảng 50% tổng sản lượng thủy sản nuôi toàn tỉnh.

Thủy sản được nuôi trong lồng vật liệu HDPE trên vùng biển mở xã Cam Lập, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa

Thủy sản được nuôi trong lồng vật liệu HDPE trên vùng biển mở xã Cam Lập, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa

Năm 2023, tổng số lượng trại giống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 227 cơ sở, sản lượng sản xuất hằng năm đạt 6 - 11 tỉ con giống. Trong đó, có 34 cơ sở sản xuất giống cá bớp, cá chẽm, cá hồng, cá chim và cá mú các loại. Số lượng giống sản xuất đạt trên 200 triệu con. Giống nhuyễn thể có 106 cơ sở (ốc hương, ngao hai cồi, trai ngọc...), sản xuất đạt 2 - 6 tỉ con.

Tôm hùm và cá biển (cá bớp, cá chim, cá mú, cá chẽm...) là đối tượng nuôi biển chủ yếu, tập trung tại 4 vùng nuôi chính là huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang và TP Cam Ranh. Trong đó, tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh khi năm 2023 đạt 74.443 ô lồng, sản lượng thu được 3.550 tấn. Các loài cá biển như cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng... đang được nuôi nhiều tại các vịnh, đầm với số lượng lồng nuôi cá của tỉnh khoảng 10.394 lồng, tổng sản lượng khoảng 9.500 tấn.

Đầu tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng tổng kết "Mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập". Mô hình này triển khai 10 hộ dân nuôi biển trên địa bàn TP Cam Ranh tổng cộng 16 lồng tròn HDPE (thể tích 1 lồng 800 m3) để nuôi cá biển, 12 ô lồng vuông HDPE (thể tích 24 m3/ô lồng, nuôi 2 tầng) để nuôi tôm hùm. Ngoài ra, các hộ còn được tài trợ hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử…

Ông Nguyễn Văn Cư (phường Cam Lộc, TP Cam Ranh) - một hộ dân nuôi thí điểm - cho biết nuôi bằng lồng bè HDPE, ứng dụng công nghệ cao có chút bỡ ngỡ, lo lắng nhưng về sau thấy rất hiệu quả, lồng nuôi chịu được sóng gió lớn. Với 2 lồng tròn chất liệu HDPE thể tích 800 m3/lồng, tổng trị giá 530 triệu đồng, ông nuôi cá bớp mật độ 2.000 con/lồng. Chỉ sau 8 tháng nuôi, cá đã đạt kích cỡ thương phẩm 6 - 7 kg/con, tỉ lệ hao hụt dưới 10%; thu hoạch được 24 tấn cá, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được gần 1 tỉ đồng.

Cần mở rộng thành cụm công nghiệp

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết để phát triển ngành thủy sản thì tất yếu chuyển đổi sang nuôi biển công nghiệp và tiến dần ra vùng biển mở, xa bờ.

Bốn điều kiện khu vực có thể nuôi cá biển tập trung, gồm: Nằm trong vùng quy hoạch cho nuôi biển; có độ sâu thích hợp từ 20 - 100 m; có tốc độ dòng chảy vừa đủ mạnh (0,1 - 1 m/giây); vị trí đủ gần dưới 25 hải lý với cơ sở hậu cần trên bờ/đảo để vận chuyển thuận lợi. Hiện nay, năng suất nuôi cá biển trung bình ở vùng nhiệt đới là 9.900 - 12.000 tấn/km2. Nếu chỉ sử dụng 0,1% diện tích biển Việt Nam tương đương diện tích nuôi 1.000 km2 thì sản lượng 10 triệu tấn cá biển mỗi năm, chưa kể các hải sản khác.

Theo PGS-TS Dũng, hiện có nhiều phương thức nuôi biển công nghiệp có thể áp dụng là nuôi tự nhiên ngay trong lòng biển; lồng bè trên biển và đại dương; nuôi trên các tàu biển; nuôi trong các hệ tuần hoàn RAS, nuôi biển đa loài tích hợp IMTA. Ở nước ta đã có các đơn vị có thể triển khai như mô hình STP Group, Công ty CP Mực nhảy Biển Đông, Công ty Australis Việt Nam...

Ở Khánh Hòa, việc thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển mở Cam Lập là một bước đi trong quá trình cụ thể hóa Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao của tỉnh. Đề án này đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Khánh Hòa cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2030, tỉ trọng thủy sản chiếm khoảng 61% - 62% cơ cấu toàn ngành nông nghiệp. Tổng sản lượng thủy sản đạt 150.000 - 155.000 tấn. Trong đó, nuôi trồng thủy sản chiếm 40%. Tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt 11.500 tỉ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 3.000 ha, trong đó diện tích nuôi nước mặn, lợ đạt 2.400 ha, nước ngọt đạt 650 ha.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ chuyển đổi 100% lồng bè nuôi truyền thống sang nuôi lồng HDPE và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ, ứng dụng công nghệ cao, phương thức quản lý hiện đại. 

Cần có tiêu chuẩn về nuôi biển

Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đề nghị Chính phủ giao trách nhiệm quản lý cụm nuôi biển công nghiệp tập trung cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thay vì Bộ Công Thương; ưu tiên dành quỹ đất và mặt biển mời gọi doanh nghiệp xây dựng đề án đầu tư cụm công nghiệp nuôi biển tập trung thí điểm trình bộ hoặc UBND tỉnh phê duyệt; chỉ đạo xây dựng các quy chuẩn và tiêu chuẩn Việt Nam và địa phương về cụm công nghiệp nuôi biển tập trung, về quản lý môi trường khu vực nuôi biển; các định mức kinh tế kỹ thuật của cơ sở nuôi biển công nghiệp...

Phát triển công nghệ nuôi biển ở Khánh Hòa- Ảnh 2.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo